- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Tin tức - Sự kiện
Nhân cách người thầy trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nhân cách chính là tư cách làm người được thể hiện ở thái độ đối với chính bản thân mình, với những người xung quanh, với xã hội và với công việc. Nhân cách thường được xem xét ở hai mặt đạo đức (còn gọi là phẩm chất) và tài năng (còn gọi là năng lực), trong đó đạo đức là cái gốc và tài năng là yếu tố gắn liền với đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nhân cách chính là tư cách làm người được thể hiện ở thái độ đối với chính bản thân mình, với những người xung quanh, với xã hội và với công việc. Nhân cách thường được xem xét ở hai mặt đạo đức (còn gọi là phẩm chất) và tài năng (còn gọi là năng lực), trong đó đạo đức là cái gốc và tài năng là yếu tố gắn liền với đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang, “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”[1], “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”[2]. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang ấy, theo Người, mỗi nhà giáo phải là người hoàn thiện về nhân cách, nghĩa là không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của người giáo viên.
Trước hết, nhà giáo phải không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao năng lực toàn diện. Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhà giáo “phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”[3]. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I. Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, để nhắc nhở đội ngũ nhà giáo phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực sự là tấm gương sáng về học tập cho học sinh noi theo. Người viết: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho hợp thời đại thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”[4].
Nhân cách của người thầy thể hiện ở việc tâm huyết với nghề nghiệp, sự tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp, trước hết phải có tri thức về nghề nghiệp. Trong một lần Người về nói chuyện với thầy và trò Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc năm 1949, Người đã đặt bút ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”[5]. Theo Bác, học ở đây không phải là làm quan to, quan nhỏ mà là học để có tri thức, học để có đạo đức cách mạng. Trước hết là “học để làm việc”, để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống gia đình và làm giàu cho xã hội. Người thầy cũng vậy, muốn làm được việc, truyền thụ được tri thức thì phải học, học những tri thức tự nhiên, xã hội,… tiếp thu tích lũy những kiến thức trong quá trình học tập, từ đó áp dụng những tri thức mình đã học có sự sáng tạo linh hoạt vào thực tiễn làm việc thì mới gặt hái được kết quả.
Nhân cách của người thầy còn được thể hiện ở việc thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo mẫu mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[6]. Để rèn luyện đạo đức, nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải tiên ưu hậu lạc nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”[7] và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”[8]. Trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, Người hết sức coi trọng việc xây dựng tình đoàn kết. Người dặn dò: “Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”[9].
Nhân cách người thầy còn được thể hiện ở phẩm chất yêu nghề, yêu trò. Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo, bởi đây là cơ sở, động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của các nhà giáo. Mỗi cô giáo, thầy giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo tốt, nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”[10]. Yêu trò - là phải tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ của học trò, “phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”[11]. Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn”[12].
Trong xu thế mới, khi giáo dục và đào tạo của đất nước đã và đang có nhiều thay đổi quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển đất nước, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục xây dựng tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giáo dục nhà trường phải gắn liền với thực tế của đất nước, với đời sống của nhân dân. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, nhà giáo cần phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng, đất nước đặt ra. Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm phát triển: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”[13]. Để thực hiện có hiệu quả quan điểm phát triển đó, đội ngũ nhà giáo cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của bản thân và của nhà trường; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi nhà giáo tự nêu gương sáng về khát vọng, đổi mới, sáng tạo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đây là điều kiện tiên quyết để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong đội ngũ nhà giáo, trong học sinh sinh viên và trong toàn xã hội.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
TS. NGUYỄN VĂN QUANG
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
Số 34 Lê Lợi, Thành phố Huế
Điện thoại: 0901794000
Email:nguyenvanquangdhsp@dhsphue.edu.vn
[1] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.345
[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.403
[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.356
[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.266
[5] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.208
[6] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.400
[7] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.403
[8] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.507
[9] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.402
[10] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.402
[11] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.299
[12] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.507
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.215-216
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản