Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 09:16 05/03/2025

Kỳ vọng từ kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Trong thời gian khá dài vừa qua, câu chuyện về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ đề rất nóng và thu hút sự quan tâm rất lớn không chỉ của cán bộ, công chức, viên chức và những người đang làm việc trong các cơ quan mà còn của dư luận trong xã hội...


Hệ thống chính trị của nước ta bao gồm cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và Mặt trận và các đoàn thể, được tổ chức thống nhất theo bốn cấp: Trung ương - tỉnh (thành phố) - huyện (quận và tương đương) - xã (phường, thị trấn) được vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đây là mô hình kiến trúc thượng tầng được hình thành và đúc kết từ thực tiễn, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của một số nước, nhất là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây.

Phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan thì mô hình tổng quát này bảo đảm cho hệ thống chính trị nước ta ổn định, về tổng thể thì vai trò của các tổ chức trong hệ thống được phát huy đầy đủ, với mục tiêu cao nhất là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà sự phát triển của đất nước trong những năm qua là một minh chứng về ưu điểm của sự vận hành hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra đòi hỏi hệ thống chính trị của đất nước buộc phải cải cách, hay phải "làm một cuộc cách mạng" về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu. Những bất cập, điểm nghẽn làm cho đất nước chúng ta không thể tăng trưởng và phát triển nhanh hơn. Các nguồn lực trong dân không được sử dụng và khai thác hiệu quả. Nguyên nhân đã được Đảng ta chỉ ra đó chính là thể chế - điểm nghẽn của điểm nghẽn. Thể chế cũng do con người tạo ra, do đó, con người, hay rộng hơn là xã hội, cũng cần phải thay đổi nó để đáp ứng nhu cầu bức thiết do cuộc sống đặt ra.

Thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu bức thiết, khách quan phải tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của đất nước mà còn để đáp ứng với phương thức, công nghệ quản trị xã hội hiện đại đang phổ biến trên thế giới.

Công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này do Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng và lãnh đạo, với nhiệm vụ trước mắt là sáp nhập, hợp nhất một số ngành, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để cắt giảm đầu mối quản lý, "một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm", đồng thời với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; một điểm quan trọng nữa là phải từ bỏ tư duy "quản không được thì cấm" trong xây dựng, ban hành quy định, cơ chế, chính sách; triển khai trong thực tế tư duy pháp quyền hiện đại "người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép"...

Những vấn đề trên đây thực ra không mới, đã được nêu trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về pháp luật, về quản trị xã hội... cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, song sự chuyển biến trong thực tế lại rất chậm. Và đến lúc này, khi mọi điều kiện đã chín muồi và được Đảng ta, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra và quyết liệt chỉ đạo với những biện pháp rất mạnh mẽ thì cả bộ máy từ Trung ương đến địa phương mới chuyển mình một cách khẩn trương.

Với tính chất của "một cuộc cách mạng", đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng lớn lao vào khả năng vận hành, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới sau sắp xếp, tinh gọn. Đó không chỉ là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong việc chi phí cho bộ máy mà còn giải phóng nguồn lực còn rất lớn trong dân và doanh nghiệp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, đó là mục tiêu hướng tới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta và cũng là hành trang, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngọc Anh

Tin bài liên quan