- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Tin tức - Sự kiện
Điểm sáng trong vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo

Ở địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) hiện nay, có rất nhiều lao động chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số chưa có việc làm, điều này hiện đang trở thành một vấn đề bức xúc cho các ban ngành ở địa phương. Đứng trước những thực tế khó khăn đó, trong nhiều năm qua, Phòng Công thương huyện cùng phối hợp với Hợp tác xã chổi đót A Ngo đã tiến hành đào tạo nghề làm chổi đót xuất khẩu cho lao động nông thôn trên địa bàn xã A Ngo và các xã lân cận.
Hợp tác xã chổi đót A Ngo do bà Hoàng Thị Kén làm chủ nhiệm, đã đề ra phương châm hoạt động của cơ sở này là: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thôn, xã trên địa bàn huyện theo hướng giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Với công việc chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, thông qua các loại hình ngành nghề để phát triển. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, tích cực xóa đói giảm nghèo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong những năm qua, Hợp tác xã đã khai giảng 02 lớp sản xuất chổi đót cho 50 lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Sau khóa tập huấn lao động đều có tay nghề cao, đảm bảo sản xuất tốt sản phẩm đưa ra thị trường và xuất khẩu với chất lượng tiêu chuẩn yêu cầu đặt hàng của khách hàng. Vì thế, ngay từ đầu năm 2008 Hợp tác xã đã xuất được 10.000 sản phẩm chổi đót, đáp ứng tốt đơn đặt hàng gia công cho Công ty Cổ phần chổi đót xuất khẩu Huế. Tiếp đến từ năm 2009 đến năm 2016 cũng từ tay nghề của những lao động trên đã làm thêm 15.000 sản phẩm chổi đót được xuất xưởng. Tất cả những sản phẩm được làm ra từ tay nghề của lao động Hợp tác xã đều có uy tín về chất lượng khi được thị trường ở huyện A Lưới chấp nhận. Chổi đót của Hợp tác xã được tiểu thương ở chợ A Lưới và Bốt Đỏ, cùng các đại lý từ A Lưới đến Tà Rụt (huyện Đắckrông, tỉnh Quảng Trị) đặt hàng với số lượng lớn.
Trước những niềm vui đó, chị Kén cùng với các thành viên của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đã tạo nhiều đầu mối thu mua nguyên liệu đót để tích trữ sau khi hết mùa khai thác đót, đầu tư sân bãi để phơi đót, xây dựng kho chứa đót, tìm mua những loại cán chổi tốt bằng loại tre Ale của người Tà ôi, Pacô vùng Bắc Sơn, Hồng Trung, Hồng Thủy. Khi chứng kiến trụ sở của Hợp tác xã chúng tôi mới thấy một không khí làm việc khẩn trương, đót khô chất cao từng đống, dây mây, cán tre được phân loại rõ rang. Mỗi bộ phận là một công việc cụ thể như: bộ phận thu mua đót, cân đót, nhập đót, phơi đót, rũ bông đót, gia công cán chổi, vót mây… Nhìn những công đoạn kì công đó mới thấy được giá trị mặt hàng chổi đót của Hợp tác xã là chổi đót được kết bền và chắc chắn, cọng đót vàng óng và bong, cán chổi thẳng và nhẹ, đó là lí do mà trong những năm qua hầu hết sản phẩm làm ra của cơ sở mà chị Kén quản lí đều được khắp nơi tiêu thụ hết.
Giới thiệu với chúng tôi, chị Kén còn cho biết thêm: Bên cạnh trụ sở chính của Hợp tác xã tại A Ngo thì chị đã thành lập các tổ sản xuất nhỏ vệ tinh của xưởng sản xuất chổi đót ở hai xã phía Bắc của huyện là Hồng Trung, Bắc Sơn. Tại đây, hằng tuần, hằng tháng chị lại tất bật vào ra để kiểm tra, đôn đốc lao động sản xuất của những lao động tại chỗ để kịp có sản phẩm cho nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Những cơ sở vệ tinh này đều có đủ phòng, kho làm việc cho khoảng 10 lao động, có được cơ sở phụ là để cho những lao động không có phương tiện đi lại hoặc những người tàn tật họ có thể tăng thu nhập nhờ làm chổi đót cho Hợp tác xã. Ý tưởng và việc làm này của chị cùng Ban chủ nhiệm được chính quyền địa phương ở đây ghi nhận và thán phục tài cán của chị. Mọi người dân ở đây đều công nhận rằng Hợp tác xã chổi đót A Ngo và chị Kén chính là điểm sáng trong vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo.
Nhớ lại buổi đầu thành lập Hợp tác xã chị Kén không khỏi giật mình, vì chị nghĩ mình là nữ, lại bận công việc nhà, việc thôn nên không biết có đảm đương nổi không? Về sau chị nghĩ, thanh niên dân tộc thiểu số ở đây rất lãng phí thời gian nhàn rỗi, nhất là trong những lúc giáp hạt. Vậy nên làm cách nào để tạo thêm nghề và việc làm mới để ổn định cho hàng trăm lao động từ các địa phương trong huyện.
Thế rồi như có sự đồng cảm, chị được Phòng Công thương đồng ý chủ trương và cấp giấy phép hình thành và hoạt động. Tiếp đến Sở Công thương Thừa Thiên Huế đồng ý phê duyệt đề án phát triển nghề nông thôn giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo. Có nguồn vốn cũng như có sự động viên kịp thời của các ban ngành cấp trên, chị Kén bắt đầu thành lập Ban chủ nhiệm gồm 4 thành viên (Chị Kén làm Chủ nhiệm).
Ban chủ nhiệm ra quy chế hoạt động, lên kế hoạch hàng tuần, hàng tháng và hàng quý. Có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và có sự liên hệ chặt chẽ với địa phương có lao động đang theo học và làm tại Hợp tác xã để tạo niềm tin cũng như động viên, huy động lao động nhàn rỗi trong dân.
Khi đã hoàn thiện cơ sở làm việc, chị liền đi đến các xã chiêu sinh lao động, đăng kí và lập danh sách học viên rồi lên kế hoạch mở các lớp tập huấn vào thời điểm nông nhàn, tổ chức thu mua đót, phơi sấy bảo đảm kỹ thuật và đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu nguyên liệu cho học viên học và làm ra thành phẩm theo yêu cầu.
Đa phần lao động là con em dân tộc Tà ôi, Pacô trên địa bàn, hầu hết các em đều bỏ học giữa chừng do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lúc đầu chiêu sinh lớp tập huấn, chị Kén lo lắng vì trình độ nhận thức về công việc của các em còn hạn chế, mức độ tiếp thu khâu kĩ thuật gia công chổi đót còn chậm nên chị bàn với Ban chủ nhiệm lên kế hoạch và thời gian đào tạo 03 tháng cho các em với nội dung đào tạo phù hợp qua các công đoạn: Sử dụng máy và các công cụ phục vụ sản xuất thành thạo. Cách tách bong đót thành thạo theo tiêu chuẩn kỹ thuật tránh tổn thất lãng phí nguyên liệu. Cách lên lóng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đơn đặt hàng. Cách lên quạt đúng tiêu chuẩn mẫu hàng theo trọng lượng sản phẩm. Cách may các đường đan chổi gấp khúc, đường cong. Cách quấn thép tay công nghệ tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu. Cách tiện lắp cán, khóa cán vào chổi. Cách đánh bong chỉnh sửa hoàn chỉnh thành phẩm. Lý thuyết cơ bản và quy trình công nghiệp hóa tiểu thủ công nghiệp mặt hàng tiêu thụ trên thị trường xuất khẩu.
Chị Kén cho biết thêm, các lao động ra nghề đều được nhận vào làm các cơ sở của Hợp tác xã trên địa bàn huyện, mức thu nhập bình quân của mỗi lao động là 700.000 - 150.0000đồng/tháng đã phần nào góp phần nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Chính vào làm tại cơ sở của chị thì những lao động này thật sự tìm được chỗ ấm cho công việc của mình, vừa ổn định thu nhập, công việc, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa tránh được các tệ nạn xã hội và điều tâm đắc nhất và có ý nghĩa nhất mà chị thổ lộ với chúng tôi rằng: “Hầu hết các lao động của chị có thu nhập từ nguồn khai thác nguyên liệu ngoài gỗ, cải thiện đời sống dân sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo trong một số hộ gia đình, giảm thiểu vào rừng khai thác gỗ và săn bắt thú rừng trái phép”.
Chia tay chị Kén cùng Hợp tác xã, chúng tôi được chị hé mở một niềm vui mới cho những lao động chưa có việc làm trong năm này là chị chuẩn bị mở các lớp đan lát mây tre tại các xã Phú Vinh, Sơn Thủy, Hương Phong, Hồng Thượng vàNhâm, lớp làm hương tại các xã Sơn Thủy, Phú Vinh và Thị trấn A Lưới, dạy nghề chổi đót cho 13 xã Hồng Thái, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Trung, Hồng Vân, Bắc Sơn, Hồng Thượng, Phú Vinh, Sơn Thủy, Nhâm, Thị trấn A Lưới và A Ngo.
Hy vọng rằng, qua thời gian và kinh nghiệm chị Kén sẽ có nhiều sang kiến mới trong công việc để áp dụng vào thực tiễn đời sống, để giúp những hộ nghèo có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp góp phần giải quyết việc làm giúp thanh niên dân tộc thiểu số ở A Lưới hạn chế được việc khai thác lâm sản và săn bắt thú trái phép.
Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản