Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 13:25 01/10/2021

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Thừa Thiên Huế trước năm 2030

Ngày 29/9/2021, đồng chí Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ký ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Thừa Thiên Huế trước năm 2030.


Chỉ thị khẳng định sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS có nhiều chuyển biến tích cực, giảm sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS. Tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp được củng cố, kiện toàn. Công tác giám sát dịch HIV/AIDS được triển khai đa dạng với nhiều hình thức. Việc xây dựng, ban hành các chế độ, chính sách về phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm. Sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện ngày càng chặt chẽ. Công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV được chú trọng. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phát huy hiệu quả. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,05%, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vai trò của ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm một số nơi chưa phát huy mạnh mẽ. Công tác thông tin, tuyên truyền chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa đáp ứng nhu cầu. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn khó lường.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Thừa Thiên Huế trước năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là quán triệt, triển khai sâu rộng Chỉ thị 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương, đơn vị; coi đây là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên trong xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa. Chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, đơn vị.

2. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn dân về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội. Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; phổ biến, nhân rộng những mô hình hay trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp. Nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình mới. Tạo môi trường thuận lợi để huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch.

4. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phòng, chống HIV/AIDS. Rà soát, bổ sung chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, vận động và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư". Lồng ghép hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

5. Sở Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng nhóm đối tượng ưu tiên, đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy. Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.

Bích Ngọc

Tin bài liên quan