Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 17:14 27/02/2025

70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025)

Lịch sử ra đời Ngày Thầy thuốc Việt Nam xuất phát từ bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Cán bộ Y tế năm 1955. Trong thư, Bác đã căn dặn đội ngũ y bác sĩ cả nước “Trước hết phải thật thà đoàn kết. Thương yêu người bệnh. Xây dựng nền y học của ta trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng… Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”. Bức thư của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 27/02/1955, chỉ với 368 từ nhưng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với nền y học Việt Nam. Với ý nghĩa của bức thư, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định lấy ngày 27/02 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.


Phát huy truyền thống 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), cùng với cả nước, các thế hệ y bác sĩ thành phố Huế đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, góp phần quan trọng xây dựng Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ở một số lĩnh vực y tế chuyên sâu, Huế đã bắt kịp với trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, như: ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, nội soi can thiệp, hỗ trợ sinh sản, hồi sức cấp cứu... Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế đã 03 lần đạt Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt trong lĩnh vực y dược. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba đơn vị trên toàn quốc thực hiện ghép bộ 3: tim, gan, thận; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng phát hiện bất thường mạch máu não để điều trị bệnh nhân trong thời gian vàng. Đặc biệt, trong năm 2024 đã xác lập 3 kỷ lục trong lĩnh vực ghép tim: thời gian mổ ngắn nhất, thời gian tim đập lại ngắn nhất và thời gian bệnh nhân ra viện ngắn nhất. Bệnh viện Trung ương Huế được xếp nhiều thứ hạng cao và giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, như: được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2024, xếp hạng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ, đạt giải nhất khu vực Đông Nam Á Cuộc thi phẫu thuật nội soi cắt trực tràng do ung thư, đạt hạng Đồng với đề tài Chương trình Quản lý Suy tim của Trung tâm Tim mạch của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, Chứng nhận và được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023… Đây không chỉ là những đóng góp cho sự phát triển nền y học nước nhà, mà còn tạo nên niềm tự hào của Việt Nam, của trí thức đất nước.

Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ trong các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã không ngừng nỗ lực, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nguồn nhân lực y tế toàn ngành hiện có 3.285 công chức, viên chức và người lao động: trong đó số lượng công chức, viên chức và người lao động y tế có trình độ sau đại học là 507 người, có trình độ đại học là 1.258 người; số bác sĩ là 786 người; số dược sĩ là 287 người; số điều dưỡng là 681 người. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm thường xuyên. Năm 2021-2023, Sở Y tế đã cử 1.739 công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó: 148 công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học; 101 viên chức đi đào tạo liên thông lên đại học; 16 viên chức đi đào tạo liên thông lên cao đẳng… theo yêu cầu của vị trí việc làm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở được thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến, như: mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh ngoài công lập, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đổi mới phương thức đánh giá chất lượng, phân loại bệnh viện theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế và chỉ số hài lòng của người bệnh. Nhiều bệnh viện đã có chuyển biến tích cực trong cải tiến quy trình khám bệnh, cải tiến các điều kiện phục vụ người bệnh, đổi mới phong cách, thái độ, đáp ứng sự hài lòng người bệnh, người có thẻ cũng được quan tâm chăm sóc như người không có thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Qua đó, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện hiệu quả, nhiều chỉ tiêu về y tế của Huế cao so với cả nước; chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế từng bước được nâng lên. Số bác sĩ/vạn dân đạt 15,4; Số giường bệnh/vạn dân: 61; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng: 5,5%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo chiều cao: 8,0%; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế: 99,35%... Các loại dịch bệnh được khống chế kịp thời, đặc biệt đã khống chế được dịch bệnh nguy hiểm như: Covid-19, dịch tả, SARS, cúm A (H5N1, H1N1), sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, quai bị, thủy đậu… Trên 95% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt và nhiều năm không phát hiện trẻ bị đần độn.

Có thể khẳng định rằng, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, Huế tự hào đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đông đảo về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng, tâm huyết với nghề, luôn gương mẫu, phấn đấu, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Với khí thế trong giai đoạn mới, đội ngũ y bác sĩ của Huế sẽ phát huy truyền thống 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tiếp tục nỗ lực, góp phần đưa thành phố Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của Đông Nam Á, nâng cao vị thế của nền y học Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Bích Ngọc

Tin bài liên quan