- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Lịch sử Đảng
Kỷ niệm 60 năm ngày mất của đồng chí Hải Triều
Ngày 3-10-2014, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Hải Triều - Nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa”, nhân 60 năm mất của ông. Buổi tọa đàm nhằm tưởng nhớ và khẳng định những đóng góp quý báu, công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, nhất là trên lĩnh vực hoạt động báo chí, văn hóa, tuyên truyền, lý luận cách mạng.Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Đoàn Thị Thanh Huyền, Ủy viên ban Thường vụ, trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Trong số các bài gửi đến buổi tọa đàm, có bài của đồng chí Phan Công Tuyên, nguyên ủy viên thường vụ, trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sau đây là nội dung bài tham luận.
HẢI TRIỀU – NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG VĂN HÓA CỦA ĐẢNG BỘ THỪA THIÊN HUẾ (1930 – 1945)
Đầu tháng 4 năm 1930, tại kinh đô Huế, Đảng bộ Đảng Cộng sản ViệtNamtỉnh Thừa Thiên được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Thừa Thiên Huế liên tục giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Thành quả đó kết tinh sức mạnh tổng hợp của nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó, nhân tố quan trọng có ý nghĩa hàng đầu là công tác tư tưởng, văn hóa, bởi đây là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về tư tưỏng chính trị, có ý nghĩa đối với sự sống còn của Đảng cũng như sự thành bại của cách mạng. Lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế từ năm 1930 đến năm 1945 trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa gắn liền với tên tuổi của những nhà lãnh đạo xuất sắc, những trí thức tiêu biểu như: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Lâm Mộng Quang, Cao Hữu Duyệt… Trong đó, Hải Triều – Nguyễn Khoa Văn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc. Đồng chí đi xa đã 60 năm, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và những đóng góp có giá trị trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa vẫn trường tồn với Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế.
Cuộc đời Hải Triều từ nhỏ đến năm 1945, về cơ bản, gắn liền với quê hương, nơi đồng chí sinh ra, lớn lên, trưởng thành và tham gia hoạt động cách mạng. Hải Triều quê ở làng An Cựu xưa, nay thuộc xã Thủy An, thành phố Huế. Xuất thân trong một gia đình "danh gia vọng tộc" nổi tiếng với truyền thống Nho học. Đồng chí từng học trường Quốc Học, Huế, tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, bị đuổi khỏi trường. Năm 1927, 19 tuổi, Hải Triều tham gia Đảng Tân Việt (sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Tháng 6-1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia Tỉnh ủy Thừa Thiên, tháng 8-1930, vào hoạt động ở Sài Gòn, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1931, đồng chí bị bắt tại Sài Gòn, sau đưa về Huế, bị chính quyển thực dân kết án 9 năm tù khổ sai và 8 năm quản thúc, tháng 7 năm 1932, được trả tự do. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động, viết bài trên các báo chí hợp pháp tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản, phê phán tư tưởng của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản. Tháng 8-1940, đồng chí bị bị bắt đưa đi an trí tại làng Ưu Điềm, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, đến 1945.
Là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Hải Triểu nổi bật với những đóng góp xuất sắc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, ở những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách.
1. Chủ trì cuộc “bút chiến” về triết học và nghệ thuật
Cuối năm 1932 đầu năm 1933, một số đảng viên ở Thừa Thiên Huế, trong đó, có hải Triều được ra tù, trở về địa phương xây dựng lại cơ sở và tổ chức quần chúng tiếp tục đấu tranh. Trên lĩnh vực tư tưởng, triết học, cuộc đấu tranh cũng không kém phần quyết liệt. Thực dân Pháp và bọn tay sai âm mưu tiến công vào tư tưởng triết học vô sản, để hỗ trợ cho các chính sách về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.
Ngày 8-8-1933 trên tờ báo Phụ Nữ Thời đàm, Phan Khôi viết bài: "Văn minh vật chất và văn minh tinh thần". Theo Phan Khôi thì "tinh thần sinh ra vật chất", người phương Tây có "tinh thần cao thượng hùng tráng", còn người phương Đông thì "tinh thần yếu đuối lắm". Cụ thể hơn, tác giả còn chê bai tinh thần dân tộc ViệtNam: "Chúng ta, người ViệtNamđây, phải tỉnh ngộ lại, phải thành thật nhận mình là thua kém, thua kém về vật chất là bởi thua kém về tinh thần" và kết luận dân ta "chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách". Ngoài ra, Phan Khôi còn có bài báo "Nguyên lý và hiện tượng" đăng báo Phụ nữ Thời đàm ngày 11-12-1933, tách rời nguyên lý và hiện tượng, tách rời triết học và khoa học.
Để chống lại những quan điểm duy tâm, phản động của Phan Khôi, Hải Triều và các nhà báo đảng viên như: Lâm Mộng Quang, Hải Thanh (Nguyễn Thượng Hoàng) cùng nghiên cứu viết bài "ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật", do Hải Triều ký tên và gửi đăng ở báo Đông Phương số ra ngày 20-10-1933. Các bài "Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm" đăng báo Phụ nữ Tân Tiến tháng 1-1934 của Hải Triều, bài “Vật chất và tinh thần” của Thành Tâm, đăng báo Đông Phương ngày 8-11-1933 đã bác bỏ những quan điểm phản động của Phan Khôi đồng thời tuyên truyền, khẳng định và đề cao học thuyết duy vật. Những đảng viên trí thức cách mạng đã khẳng định những nguyên lý của phép biện chứng duy vật, chứng minh vật chất có trước, tinh thần sau, tinh thần phụ thuộc vào vật chất, vật chất thay đổi thì tinh thần cũng thay đổi theo "tinh thần chỉ là cái phản chiếu của vật chất", tuy nhiên, tư tưởng có tác động đối với vật chất. Các nhà báo cách mạng cũng đập lại lập luận mập mờ về "nguyên lý và hiện tượng", phê phán tư tưởng nô lệ, đầu hàng đế quốc, vạch rõ, sở dĩ nước ta còn thua kém các nước phương Tây chính là do đế quốc kìm hãm về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Ngày 24-3-1935, bài "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" của Hải Triều đăng trên tờ Đời mới, trả lời cho bài "Hai cái quan niệm văn học" của Thiếu Sơn đăng trên “Tiểu thuyết thứ bảy”, số 38 (1935), đã mở màn cho cuộc tranh luận sôi nổi giữa quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh”. Trong bài nói trên và nhiều bài khác đăng ở tờ Ánh sáng, Hương Giang, Hải Triều nêu rõ quan điểm nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc mà phải phục vụ cho lợi ích của dân tộc" 1.
Cuộc tranh luận đã đề cập nhiều vấn đề lý luận, trong đó, phái nghệ thuật vị nhân sinh thuộc ý thức vô sản. Quan điểm nghệ thuật vô sản bước đầu có tác dụng thu hút văn nghệ sĩ, người đọc ra khỏi tư tưởng bi quan, dao động, thoát ly đấu tranh, hướng họ vào con đường đấu tranh cách mạng. Cuộc tranh luận đã tuyền truyền cho quan điểm văn học nghệ thuật của chủ nghĩa Mác - Lênin, đem lại tư tưởng mới cho nền văn học nghệ thuật nước ta
Tuy chỉ thu hẹp trên phạm vi báo chí công khai hợp pháp, nhưng các cuộc tranh luận trên là biểu hiện rõ nét của tư tưởng yêu nước chống tư tưởng nô lệ, phản động. Nó có tiếng vang lớn trong các tầng lớp nhân dân thành thị, nhất là tầng lớp trí thức, làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của một bộ phận nhân dân.
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí bảo vệ quan điểm chính trị, văn hóa cách mạng, thể hiện vai trò quan trọng của Hải Triều và những đảng viên trí thức thuộc Đảng bộ Thừa Thiên Huế đối với cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó đã đưa tên tuổi Hải Triều vào lớp những người đầu tiên xây dựng nền móng cho nền lý luận văn nghệ cách mạng. Trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và Văn hóa ViệtNam, đồng chí Trường Chinh đã viết: “Đồng chí Hải Triều đã làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật”.
2. Tiên phong đấu tranh chính trị tư tưởng trong phong trào dân chủ 1936 - 1939
Năm 1936 phong trào chống phát xít giành thắng lợi ở nước Pháp. Mặt trận Nhân dân Pháp thành lập nội các mới do lãnh tụ Đảng xã hội Léon Blum làm Thủ tướng (6-1936). Nhiều quyết định tiến bộ được ban hành đã tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta.
Thừa Thiên Huế là nơi tập trung cao nhất sự câu kết giữa thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, là trung tâm văn hóa của Trung Kỳ, thu hút đông đảo trí thức, học sinh, trong đó, có nhiều người sớm tham gia hoạt động cách mạng. Thành phố Huế là địa bàn khá nhạy cảm về chính trị, nơi chính quyền thực dân phong kiến thường tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị cấp Kỳ. Những hoạt động trên lĩnh vực chính trị tư tưởng diễn ra ở Huế có tác động ảnh hưởng lớn đến các nơi khác trong tỉnh.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh phân công cán bộ hoạt động trong các nhóm công khai và bí mật. Đồng chí Hải Triều hoạt động trong bộ phận hoạt động công khai kết hợp nửa công khai cùng các đồng chí Phan Đăng Lưu, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Trịnh Xuân An...
Với ưu thế về năng lực trên lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, Hải Triều xông xáo tham gia các hoạt động:
- Tuyên truyền cổ động trong phong trào đấu tranh đòi triệu tập Đại hội Đông Dương và đòi quyền dân sinh dân chủ.
Nhân cơ hội Quốc hội Pháp quyết định cử phái đoàn điều tra sang Đông Dương, Đảng ta chủ trương vận động và tổ chức nhân dân họp bàn về các yêu cầu tự do, dân chủ, dân sinh, thảo ra các bản "dân nguyện" để gửi cho phái đoàn điều tra Pháp và tiến tới tổ chức Đại hội Đông Dương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 24-8-1936, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều và các cán bộ, đảng viên nòng cốt ở Huế đã tổ chức cuộc họp ở hiệu sách Hương Giang để bàn biện pháp tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ và bầu ban trù bị lãnh đạo tuyên truyền, tổ chức, huy động quần chúng tham gia đại hội, thảo bản "dân nguyện" gửi tới phái đoàn điều tra của Quốc hội Pháp.
Nhằm ngăn chặn phong trào quần chúng, chính quyền thực dân và Nam triều tìm cách lái cuộc vận động vào con đường cải lương, thông qua Viện Dân biểu Trung kỳ (triệu tập cuộc họp tại Viện Dân biểu, gồm những phần tử không ủng hộ Mặt trận bình dân để dự thảo "dân nguyện). Trước tình hình đó, Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội ở Huế quyết định đấu tranh công khai, biến diễn đàn Viện Dân biểu thành diễn đàn của ta. Hải Triều cùng các đảng viên cộng sản như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu...tích cực vận động các nghị viên và các nhà báo tiến bộ ủng hộ chủ trương của Đảng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân về dự họp thật đông để biểu dương lực lượng.
Ngày 20-9-1936, đại hội toàn kỳ được tổ chức tại trụ sở Viện Dân biểu ở Huế, vượt ra khỏi dự kiến ban đầu của những kẻ khởi xướng âm mưu hướng cuộc vận động vào những mục tiêu cải lương. Có khoảng 500 người, phần đông là giới lao động và những người tiến bộ thuộc các tầng lớp nhân dân được huy động tới địa điểm hội nghị làm hậu thuẫn cho lực lượng dân chủ, tiến bộ do các đảng viên cộng sản đại diện, đứng đầu là đồng chí Phan Đăng Lưu. Các đồng chí Hải Triều, Lâm Mộng Quang tham gia đoàn chủ tịch đại hội. Trên diễn đàn đại hội, các chiến sĩ cộng sản và đại biểu các giới phát biểu những nguyện vọng chính đáng của quần chúng lao động, vạch mặt bọn tay sai trong Viện Dân biểu và tuyên truyền chủ trương của Đảng. Sau hai ngày làm việc do lực lượng tiến bộ làm chủ, Đại hội quyết định: yêu cầu chính quyền để quần chúng thành lập các Ủy ban hành động ở các địa phương và cơ sở kinh doanh. Các ủy ban này sẽ hoạt động công khai để thu thập "dân nguyện" và cử người đại diện của mình. Đại hội cử ra một Ủy ban lâm thời gồm 26 ủy viên, trong đó, 17 ủy viên là những cựu tù chính trị. Đại biểu Huế có Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Đào Duy Anh. Ủy ban lâm thời là hội đồng tập hợp "dân nguyện", vận động tiến tới đại hội toàn kỳ chính thức.
Kết quả đại hội làm cho chính quyền thực dân vàNamtriều bị bất ngờ. Khâm sứ Trung Kỳ lập tức tuyên bố bác bỏ mọi yêu cầu của đại hội và ngay trong lúc đại hội đang họp, ngày 21-9-1936, chính quyền thực dân đã trắng trợn ra lệnh cấm Đông Dương đại hội của toàn xứ Trung Kỳ.
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng cuộc vận động Đông Dương Đại hội ở Thừa Thiên Huế đã diễn ra sôi nổi. Trong cuộc vận động này, Hải Triều và các chiến sỹ cộng sản được sự đồng tình của các lực lượng tiến bộ và quần chúng lao động, đã hoàn toàn áp đảo, làm chủ tình thế, biến cuộc vận động thành cơ hội để tuyên truyền, huy động quần chúng đấu tranh cho những mục tiêu cách mạng, bóc trần bộ mặt tay sai và các phần tử cơ hội.
- Tuyên truyền, vận động công khai hợp pháp trên báo chí và nghị trường.
Việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để phục vụ cho đấu tranh cách mạng là hình thức đấu tranh mới, nổi bật về tư tưởng chính trị của Đảng trong giai đoạn 1936 - 1939.
Huế là trung tâm báo chí của Trung Kỳ. Cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên đều là những nhà báo có năng lực trên diễn đàn báo chí. Chủ trương hoạt động báo chí công khai đã tạo điều kiện cho các đồng chí phát huy năng lực sở trường của mình, phục vụ cuộc đấu tranh của Đảng. Những tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế là Nhành Lúa, Sông Hương Tục bản, Dân và Tiếng Dân.
Được cấp giấy phép ngày 24-10-1936, tờ Nhành Lúa hoạt động do Hải Triều làm chủ bút, Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Nhành Lúa đã tuyên truyền tích cực những chủ trương của Đảng về Đông Dương Đại hội, đón Godart, hướng dẫn quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp không chỉ ở Huế mà còn phát hành ở nhiều nơi khác. Bên cạnh viết bài tuyên truyền trên báo chí công khai, Hải Triều và các nhà báo cộng sản ở Huế còn là hạt nhân tập hợp lực lượng các nhà báo tiến bộ thành một mặt trận thống nhất, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác. Được sự chỉ đạo của đồng chí Phan Đăng Lưu, với vai trò nòng cốt của các nhà báo cách mạng như Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Lâm Mộng Quang..., ngày 15-01-1937, Báo Nhành Lúa đăng lời kêu gọi của 17 nhà báo, về việc triệu tập hội nghị báo giới Trung Kỳ. Ngày 23-3-1937, các nhà báo cộng sản ở báo Nhành Lúa chủ động tổ chức cuộc họp trù bị tại Hội Quảng Tri. Hội nghị được hai chí sĩ nổi tiếng Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng gửi thư cổ vũ.
8 giờ sáng ngày 27-3-1937, trong khuôn khổ một cuộc họp công khai, được phép của nhà cầm quyền, Hội nghị báo giới Trung Kỳ đã khai mạc tại Đông Pháp Lữ quán (số 7 Đông Ba - Huế) với 70 đại biểu các báo Trung Kỳ trong đó, có nhiều nhà báo cách mạng nổi tiếng, hoạt động ở Thừa Thiên Huế và hai đại biểu báo chí cách mạng Bắc Kỳ là Võ Nguyên Giáp và Hà Huy Giáp. Thay mặt báo giới, Hải Triều trình bày báo cáo nêu rõ: “Chúng ta nên trù bị một chiến tuyến chung về báo giới để vận động về tự do ngôn luận… Vấn đề tự do ngôn luận là nguyện vọng chung của chúng ta, chúng ta hãy liên hiệp nhau lại”[1]. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, đã mở đầu cho cuộc vận động mở hội nghị báo giới ở các địa phương khác.
Lo sợ trước những hoạt động tích cực của báo Nhành Lúa, nhà cầm quyền đã tịch thu giấy phép và đóng cửa tờ báo vào ngày 19-3-1937 sau khi ra được 9 số. Để tiếp tục cuộc đấu tranh trên báo chí, Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mua lại báo Sông Hương của Phan Khôi, chuyển cho Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ tiến bộ gần gũi với Đảng Cộng sản làm chủ nhiệm, lấy tên là Sông Hương tục bản. Cùng với việc tích cực vận động bằng nhiều hình thức của các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Hoàng Anh, Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), sự tuyên truyền, cổ vũ của báo Sông Hương tục bản đã mang lại kết quả. Ứng cử viên do Mặt trận dân chủ giới thiệu gồm các ông Hoàng Đức Trạch, Nguyễn Đình Diễn đều trúng cử với số phiếu cao.
Phản ứng trước tác động chính trị mạnh mẽ của tờ Sông Hương tục bản, nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm. Hải Triều và các đồng chí trong Tỉnh ủy tìm cách ra các tờ báo khác để tiếp tục cuộc đấu tranh trên lĩnh vực nhạy cảm chính trị này. Sau Sông Hương tục bản là báo Dân (ra ngày 6-7-1938) đã tuyên truyền việc liên hiệp các lực lượng tiến bộ, tích cực đấu tranh để thực hiện đường lối Mặt trận dân chủ của Đảng ở Trung Kỳ và Thừa Thiên Huế, đòi các quyền tự do dân chủ, đấu tranh bác bỏ dự án tăng thuế ở Trung Kỳ... Các báo mới liên tiếp thay những tờ bị đình bản là Dân Tiến (số 1 ra ngày 27-10-1938, số cuối ngày 12-12-1938), Dân Muốn (số 1 ra ngày 20-12-1938, số cuối ngày 25-1-1939).
Tuyên truyền, vận động và đấu tranh công khai trên báo chí là một thành công lớn của Đảng bộ trong những năm 1936 -1938. Với vai trò nòng cốt, Hải Triều cùng các đồng chí cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy đã đưa báo chí đã trở thành vũ khí sắc bén đi đầu trong cuộc vận động dân chủ ở Thừa Thiên Huế. Mỗi tờ báo đều xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung bài vở tuyên truyền. Tuy thời gian tồn tại không dài nhưng công tác tuyên truyền vận động trên báo chí đã dấy lên phong trào Đông Dương Đại hội, vận động đưa người của Mặt trận vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, bác bỏ dự án tăng thuế, làm cho phong trào quần chúng phát triển sôi nổi trong toàn tỉnh.
Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền sôi động trên báo chí, tại các hiệu sách vừa là trụ sở hoạt động của Xứ ủy và Tỉnh ủy như Hương Giang, Thuận Hóa cũng bày bán các sách: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, bộ Tư Bản của Mác và nhiều loại sách tiến bộ khác... được nhiều học sinh, sinh viên đến tìm đọc.
Trong lúc phong trào dân chủ đang diễn ra sôi nổi, rầm rộ trong cả nước, đầu năm 1939, phong trào Mặt trận nhân dân Pháp tan rã, Chính phủ Pháp chuyển sang cánh hữu. Ở Đông Dương, chính quyền phản động thuộc địa tăng cường đàn áp, bóc lột nhân dân. Giai đoạn vận động dân chủ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp của cách mạng ViệtNamchấm dứt.
Tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm chính trị của xứ Trung Kỳ "bảo hộ", thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố, tấn công phá hoại tổ chức Đảng. Mặc dù Thông cáo của Trung ương Đảng ngày 29-9-1939 đã yêu cầu các cấp bộ đảng, toàn thể đảng viên và các tổ chức quần chúng phải nhanh chóng, triệt để rút vào hoạt động bí mật, nhưng do lực lượng bị bộc lộ quá nhiều trong phong trào dân chủ nên nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tra tấn, tù đày. Đồng chí Hải Triều bị bắt, đưa đi quản thúc tại Căng “an trí” Ưu Điềm, Phong Điền. Tháng 3- 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hải Triều được trả tự do. Tháng 8-1945, Hải Triều tham gia khởi nghĩa ở Huế, sau đó, về công tác ở Bộ Tuyên truyền và Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung Bộ.
Từ năm 1930 đến năm 1945, ngoài khoảng thời gian bị chính quyền thực dân tù đày, quản thúc, trở lại hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Hải Triều luôn là cây bút xuất sắc, là tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí của người cộng sản.
Phần thưởng cao quý Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt một, năm 2001) là sự đánh giá đúng đắn về những cống hiến to lớn của Hải Triều đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí xứng đáng là một trong ít những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, được hậu thế tôn vinh và ngưỡng mộ.
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản