Lịch sử Đảng

Cập nhật lúc : 15:25 06/10/2017

Hội thảo Khoa học: Trung Bộ và nam Bộ thời chúa Nguyễn

Ngày 5/10/2017, được sự nhất trí của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Trung bộ và Nam bộ thời chúa Nguyễn". Hội thảo nhằm mục đích khai thác tốt hơn các nguồn tư liệu và kết quả nghiên cứu từ các địa phương, đơn vị trên cả nước mà trước hết là các kết quả nghiên cứu từ các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ về vùng đất này dưới thời các chúa Nguyễn.


Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có đồng chí TS Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tham gia Hội thảo lần này có đông đảo các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Hội thảo có 29 chuyên luận tập trung vào các chủ đề về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, đô thị và di sản. Đây là những công bố mới nhất về lịch sử Đàng Trong. Tư liệu được khai thác chủ yếu là từ nhiều nguồn thư tịch Hán Nôm và quá trình thực địa ở nhiều địa phương khác nhau của nhiều tác giả trên cả ba miền của đất nước.

Tại Hội thảo, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến xoanh quanh các vấn đề về vai trò của chúa Nguyễn và nhân dân trong công cuộc mở đất Đàng Trong và khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo; động lực phát triển kinh tế và đô thị của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, những thành quả chính và bài học kinh nghiệm; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa và nhân vật thời chúa Nguyễn.

Đây là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm mang lại những hiểu biết, nhận thức mới xác đáng hơn về lịch sử vùng đất Trung Bộ và Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn. Đồng thời, qua đây để có kế hoạch đánh giá lại toàn bộ di sản lịch sử thời chúa Nguyễn để lại, bao gồm: chủ quyền biển đảo, nhân vật, di tích, văn hóa (bao gồm chữ Quốc ngữ và văn hóa tôn giáo) để có phương án bảo tồn và phát huy giá trị.

Đồng Thị Ly

 

Tin bài liên quan