Lịch sử Đảng

Cập nhật lúc : 07:46 14/12/2016

Hội thảo khoa học “Chủ quyền Việt Nam trong lịch sử”

Sáng ngày 12/12, Hội khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Chủ quyền Việt Nam trong lịch sử”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử trong cả nước và đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh. PGS.TS. Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chủ trì buổi hội thảo.


Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, đó là năm 1816, vua Gia Long cử thủy quân ra cắm cờ ở quần đảo Hoàng Sa; đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, khẳng định chủ quyền biển đảo về phương diện Nhà nước của triều đình nhà Nguyễn. Hai trăm năm qua, chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều biến động, nhưng hai quần đảo này vẫn không thay đổi, triều đại nhà Nguyễn đã có công lớn trong việc thực thi và xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức lần này nhằm cung cấp những thông tin có giá trị về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo của các nhà nghiên cứu lịch sử trong cả nước; đồng thời phản bác các lập luận và hành động sai trái của một số nước cố tình xuyên tạc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại hội thảo, có 6 trong tổng số 27 bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử về chủ quyền biển đảo được trình bày, tập trung vào các chủ đề: Vấn đề chủ quyền lịch sử; Về sự hiện diện các thế lực nước ngoài, phản bác luận điểm xuyên tạc và sai trái lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa; Về chủ quyền biển đảo đối với nhân dân các tỉnh miền Trung.

Các bài nghiên cứu đã được các tác giả dày công sưu tầm ở các nguồn tư liệu lưu trữ thời thuộc địa, thời Việt Nam Cộng hòa, tài liệu lưu trữ nước ngoài của Nhật Bản, hệ thống bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây để chứng minh về chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt, một số các tác giả đã có sự khảo sát thực địa ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, đây là những vùng đất được sử sách nhắc nhiều về việc người dân tham gia khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời Tây Sơn và triều đại nhà Nguyễn. Trong đó, nổi bật là Quảng Ngãi với đảo Lý Sơn, quê hương của hải đội Hoàng Sa hoạt động từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn và đầu triều Nguyễn đã thu được nhiều tư liệu quý từ nhân dân địa phương cung cấp. Qua đó, làm sâu sắc thêm những luận cứ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận thêm về vai trò, trách nhiệm của chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ trong việc khai thác, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đóng góp của nhân dân, các địa phương, các ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo qua các thời kỳ. Vị trí, chiến lược của Biển Đông và yếu tố nước ngoài xâm phạm, bài học từ quá khứ. Giải pháp đấu tranh để khôi phục chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của biển đảo hiện nay.

www.thuathienhue.gov.vn

Tin bài liên quan