Lịch sử Đảng

Cập nhật lúc : 09:20 17/05/2016

Hội thảo khoa học vua Duy Tân và cuộc vận động khởi nghĩa Trung Kỳ năm 2016

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ và bị thực dân Pháp bắt lưu đày biệt xứ (1916 - 2016), sáng 16/5, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Vua Duy Tân và cuộc vận động khởi nghĩa Trung kỳ năm 2016". Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương; ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Giáo sư, Tiến sĩ và nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong nước; nguyên lãnh đạo Tỉnh qua các thời kỳ cùng đại diện các ban, ngành của tỉnh liên quan.


Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử là cố đô của Việt Nam, trải qua 710 năm hình thành và phát triển đã gắn liền với nhiều sự kiện oai hùng và đau thương của dân tộc; song hành với chiều dài của lịch sử dân tộc, nhiều vị vua có tinh thần yêu nước đã không tiếc xương máu của mình để đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, trong đó vua Duy Tân - Lãnh tụ và linh hồn của cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung Kỳ năm 1916. Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày vua Duy Tân phát động khởi nghĩa Trung Kỳ có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sáng tỏ hơn những vấn đề liên quan đến vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ; đồng thời khơi gợi, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.  

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua các tư liệu mới được phát hiện ở trong nước và ngoài nước đã làm rõ bối cảnh lịch sử và nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916, vị thế của Huế, vai trò của vua Duy Tân cùng một số thủ lĩnh, vai trò quần chúng trong cuộc khởi nghĩa, quá trình vận động và nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa.

Riêng đối với khoa học lịch sử, đến nay đã có nhiều công trình được công bố, trong đó có 3 Hội thảo khoa học, đó là: Hội thảo khoa học "Cuộc khởi nghĩa Duy tân năm 1916", Hội thảo "Vai trò của Thừa Thiên Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng trong cuộc vận động khởi nghĩa Trung Kỳ tháng 5/1916" và Tọa đàm "Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân tại Huế năm 1916" do Hội khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (năm 1995), Sở Văn hóa Thông tin Đà Nẵng (năm 2006) và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng (năm 2014) tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được xác minh và làm sáng tỏ về cuộc khởi nghĩa cũng như lịch sử dân tộc trong giai đoạn này như: Về chủ thể của cuộc khởi nghĩa, về vai trò của vua Duy Tân trong cuộc khởi nghĩa; đánh giá về tầm vóc của cuộc khởi nghĩa và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích có liên quan đến cuộc khởi nghĩa năm 1916.

 Dựa trên thành tựu nghiên cứu về vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa năm 1916, tại Hội thảo lần này 21 tham luận của các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử sẽ đề cập tương đối toàn diện về bối cảnh quốc tế, Việt Nam và Huế đầu thế kỷ XX, về tiểu sử vua Duy Tân. Trong đó nêu bật vai trò của vua Duy Tân với cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ năm 1916 cùng một số nhân vật lịch sử trong cuộc khởi nghĩa như vai trò của Việt Nam Quang phục hội với cuộc khởi nghĩa năm 1916 qua tư liệu mới cũng như vai trò của Tổng vụ bộ Trung ương, Kỳ bộ Trung kỳ và một số đảng viên trong cuộc khởi nghĩa; xác minh một số sự kiện, nhân vật, địa danh, di tích có liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Qua đó phân tích ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm, công bố tư liệu, di tích và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích có liên quan đến cuộc khởi nghĩa...


Toàn cảnh Hội thảo

www.thuathienhue.gov.vn

Tin bài liên quan