Lịch sử Đảng

Cập nhật lúc : 10:39 10/01/2019

Chiến thắng đồi A Bia - Tầm vóc và dấu ấn lịch sử

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồi A Bia, sáng ngày 09/01/2019, huyện A Lưới đã tổ chức Hội thảo “Chiến thắng A Bia - Tầm vóc và dấu ấn lịch sử”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Văn Quang, UVTV, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện uỷ A Lưới; đồng chí Phùng Văn Vinh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.


Tham dự Hội thảo còn có các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn huyện A Lưới, các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự có mặt đông đảo của các Cựu chiến binh, các chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường A Bia 50 năm về trước.

Trận đánh đồi A Bia (còn gọi là Đồi thịt băm) là trận chiến đấu diễn ra trên cao điểm 937 (nay thuộc xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) giữa ta và Quân đội Mỹ từ ngày 10/5/1969 đến ngày 20/5/1969 khi quân đội Mỹ tổ chức lực lượng gồm 13 tiểu đoàn (gồm 8 tiểu đoàn Mỹ và 5 tiểu đoàn nguỵ) kết hợp với không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ đánh lên đồi A Bia, A Lưới, nhằm đẩy cơ quan chỉ huy và bộ đội của ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá đường hành lang vận chuyển miền núi.

Nắm được âm mưu, thủ đoạn của địch, quân ta do Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân), Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 phối hợp với các lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích miền tây đã phát huy lợi thế của thế trận ở vùng rừng núi, vượt lên những khó khăn, gian khổ, kiên cường đánh địch và giành được những thắng lợi quan trọng.

Mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, tương quan lực lượng và phương tiện giữa ta và địch là khá lớn, song với tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi hết sức quan trọng, mang lại ý nghĩa chính trị sâu sắc, không chỉ trên chiến trường mà còn tác động trực tiếp đến chính trường và nội bộ nước Mỹ.

Trận đánh A Bia đã trở thành một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam, đã làm tăng nỗi khiếp sợ của lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm xói mòn niềm kiêu hãnh của quân đội Mỹ, khiến Mỹ phải đánh giá lại chiến lược của mình và từng bước rút quân chiến đấu Mỹ về nước, nhanh chóng triển khai chiến lược “Viêt Nam hoá chiến tranh” vốn được được lên kế hoạch từ trước trận A Bia.

Về phía ta, quân và dân ta đã thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của đối phương, khôi phục thế trận chiến tranh nhân dân trên cả ba vùng chiến lược. Miền núi phía Tây Thừa Thiên Huế được củng cố, thế đứng chân của lực lượng vũ trang và hậu cứ kho tàng được xác lập và cải thiện. Đây là thắng lợi tiêu biểu trong năm 1969 đầy khó khăn, có tác dụng động viên quân và dân Thừa Thiên Huế nỗ lực vươn lên, cỗ vũ tích cực cho nhân dân đồng bằng tiếp tục đánh phá chương trình bình định của địch, đồng thời làm cho chúng chùn bước trong việc đánh phá miền núi.

Với ý nghĩa hết sức quan trọng, một số học giả, nhà nghiên cứu tại Hội thảo đã đề xuất phương án lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận A Bia là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; đồng thời, có phương án xây dựng đài tưởng niệm về trận đánh nhằm tri ân và giáo dục truyền thống đấu cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng Thị Ly

Tin bài liên quan