- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
Vùng cao Thừa Thiên Huế vững bước đi lên

Thừa Thiên Huế tự hào có các huyện, thị, thành phố anh hùng, trong đó có hai huyện miền núi là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến. A Lưới, Nam Đông những địa danh một thời làm kẻ thù khiếp sợ, bạt vía hồn kinh. Quả thật với địa thế hiểm trở, gần 88km dọc theo biên giới Việt – Lào, hoặc nằm cách xa đồng bằng, đã tạo nên một thế chiến lược “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nơi đây có những người con tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Bác Hồ; họ tự nguyện lấy Họ của Bác Hồ làm Họ của mình; có “Những người con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ” không ngại khó khăn gian khổ dù phải vượt núi băng rừng; có những anh hùng lực lượng vũ trang như Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun... với nhiều chiến công vang dội, nhiều lần được ra Hà Nội gặp Bác Hồ kính yêu. Và từ những thung lũng của núi rừng quan trọng này đã nuôi dấu lực lượng cách mạng trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nơi đứng chân của bộ đội, của cơ quan Đảng, Quân, Dân, Chính... để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, giải phóng quê hương.
Kỷ niệm 40 năm ngày Thừa Thiên Huế giải phóng, có dịp lên các huyện miền núi, chúng ta rộn ràng niềm vui, cảm nhận được sự đổi mới của quê hương. Đường nhựa, đường bê tông thẳng tắp. Tiếng chim rừng hót líu lo. Nắng xuân trải dài ấm áp. Gió mơn man thổi theo triền đồi dịu mát. Thật đáng mừng các xã định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số và các xã kinh tế mới của đồng bào kinh tràn đầy sức sống và khởi sắc đi lên. Còn nhớ những năm tháng đầy khó khăn sau ngày quê hương mới giải phóng. Từ Huế lên A Lưới, hồi ấy xe phải chạy ra Đông Hà, ngược lên cầu Đakrông ngang qua Tà Rụt với nhiều đoạn đường khấp khểnh, gồ ghề có khi mất cả ngày mới lên tới huyện lỵ. Bây giờ thẳng theo Quốc lộ 49 từ Huế lên trung tâm A Lưới chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Đường lên Nam Đông cũng vậy, trước đây sợ nhất là đèo La Hy cheo leo hiểm trở, nhưng bây giờ từ Huế lên đến Khe Tre xe chạy bon bon cũng chỉ mất chừng 60 phút. Có đi thực tế, mới thấy được chủ trương “miền núi đuổi kịp miền xuôi” và mơ ước một thời về “điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch”; “xóa nhà tạm bợ cho vùng sâu, vùng xa” đã trở thành hiện thực.
Ngày hội văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi TT Huế ( ảnh PT)
Có thể nói sau 40 năm xây dựng và phát triển, hai huyện A Lưới, Nam Đông và các xã miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều thành tựu vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... Đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện. Chăm lo chính sách an sinh cho đối tượng đặc thù. Đáng mừng, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều...được gìn giữ; truyền thống cách mạng được phát huy, người kinh, người thượng đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương. Đặc biệt A Lưới là huyện mẫu mực về tôn tạo và tăng dày cột mốc quốc giới và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với 2 tinh Sê Kông và Salavan của nước bạn Lào. Huyện Nam Đông được công nhận là huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đã có diện mạo bước đầu của một huyện nông thôn mới với nhiều triển vọng tốt đẹp đáng mừng.
Thừa Thiên Huế còn có các chiến khu xưa hào hùng cách mạng. Nhiều thế hệ đi trước và cả thế hệ trẻ hôm nay không bao giờ mờ phai trong ký ức các chiến khu xưa một thời oanh liệt. Qua tư liệu, chúng ta biết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến khu đầu tiên của tỉnh ta là Hòa Mỹ, tiếp sau đó là chiến khu Dương Hòa. Chiến khu Hòa Mỹ đã đi vào văn học với tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi thơ dữ dội” (Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam 1989) của nhà văn Phùng Quán , trong bối cảnh những ngày đầu Huế kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỉ XX. Câu chuyện phản ảnh khá sinh động một thời kì lịch sử hào hùng của thiếu niên Thừa Thiên Huế sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).
Hòa Mỹ nay thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cách trung tâm thành phố Huế khoảng 35km - 40km về phía Tây Nam. Là một vùng núi rừng, khe suối rộng lớn, có lợi thế dựa lưng vào dãy Trường Sơn, khả năng bảo toàn, phát triển và xây dựng lực lượng cách mạng rất thuận lợi, có đủ các yếu tố về địa thế của một chiến khu cách mạng. Chiến khu Hòa Mỹ dần dần được củng cố, bố phòng, phân ranh, phân tuyến. Bộ phận tiền phương của trung đoàn Trần Cao Vân về đóng tại đây. Chiến khu Hòa Mỹ phân ra từ tiểu chiến khu 1 (CK 1) đến tiểu chiến khu 7 (CK 7) mỗi tiểu chiến khu có một đơn vị đóng, cụ thể tiểu chiến khu 1 là đơn vị vũ trang, tương tự các tiểu chiến khu khác là Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến, Bệnh viện, Công an... mỗi tiểu chiến khu cách nhau khoảng 1 giờ 30 phút đi bộ, song được liên kết chặt chẽ với nhau qua công tác giao liên. Năm 1947, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên là Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Bộ chỉ huy đóng bản doanh ở đây.Tháng 9 năm 1947 tại chiến khu Hoà Mỹ, Hội nghị cán bộ Đảng bộ Thừa Thiên Huế họp bàn vấn đề xây dựng cơ sở Đảng. Nội dung chủ yếu là kiểm điểm tình hình công tác Đảng bộ từ sau Hội nghị tháng 3 năm 1947, thảo luận chỉ thị nghị quyết Trung ương và Khu uỷ, xác định chương trình hành động và bầu lại BCH Đảng bộ tỉnh.
Đến tháng 5 năm 1948, để giữ vững an toàn các cơ quan đầu não của tỉnh và thuận tiện cho công tác chỉ đạo phong trào cách mạng ở đô thị Huế, các huyện phía Nam Thừa Thiên Huế các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh và các ngành từ chiến khu Hòa Mỹ mới chuyển vào Dương Hòa. Từ năm 1947 đến 1954 đây là căn cứ của lực lượng vũ trang Trị Thiên.
Chiến khu Hòa Mỹ nằm trong hệ thống liên hoàn của Phân khu Bình Trị Thiên (Hòa Mỹ, Câu Nhi, Ba Lòng) ra Tuyên Hóa, Quảng Bình và Khu IV.Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), từ chiến khu này quân và dân ta đã tổ chức đánh tiêu diệt, đẩy lùi nhiều đợt càn quét của giặc. Năm 1967, Hòa Mỹ là nơi đặt cơ sở nghiên cứu bệnh sốt rét ở chiến trường của Giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ.
Chiến khu Hòa Mỹ là đoạn cuối nhánh đường 71 của đường Hồ Chí Minh trên địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế do trung đoàn công binh Quân khu Trị Thiên thi công năm 1971. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, là đường tiến công của xe tăng, pháo, cùng các đơn vị bộ binh giải phóng các huyện Bắc Thừa Thiên Huế (3/1975). Hình thành thế bao vây địch trong thành phố Huế tạo điều kiện tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975.
Dấu tích xưa, tượng đài chiến khu Hòa Mỹ nằm ngay ở ngã ba thôn Lưu Hiền Hòa, trung tâm xã Phong Mỹ. Và những di tích, như Nhà Đại chúng, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong kháng chiến, cũng là nơi hội họp của bộ đội thuở nào. Cạnh đó, đình làng Lưu Hiền Hòa, nơi Bộ Chỉ huy Trung đoàn 101 họp bàn kế hoạch đánh đồn Đất Đỏ của Pháp vào ngày 29-3-1947. Chiến công vang dội đánh chiếm tiền đồn án ngự đường vào chiến khu Hòa Mỹ diệt gọn một trung đội lính bộ binh sơn cước tinh nhuệ của Pháp nay đã được dựng bia lưu giữ. Trên chiến khu xưa, còn có một di tích đặc biệt gắn liền với chiến dịch Hồ Chí Minh đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1991, đó là đường Hồ Chí Minh đoạn cuối đường 71. Những di tích còn lại ở Hòa Mỹ thật đáng trân trọng, là dấu ấn của một chiến khu xưa hào hùng đã đi vào lịch sử.
20 năm trước, khi Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức Hội trại 26/3 ở Hòa Mỹ, thật cảm động thanh niên và bà con đồng bào vùng chiến khu xưa đầy ắp nhiệt tình cách mạng, có niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nhưng quả thật, lúc bấy giờ nơi đây đất đai còn hoang hóa, trường lớp hết sức tạm bợ, cuộc sống còn không ít khó khăn. Tôi còn nhớ, khi đến thăm khu tập thể của giáo viên trường cấp 2, chỉ là một căn nhà 3 gian cũ kỹ được ngăn ra 3 phòng, nên những cô giáo khi vào phòng ở của mình phải bắt thang leo vào... cửa sổ, thật thương tâm (!).
Ngày nay, xã Phong Mỹ (912 hộ) gồm 8 thôn : Lưu Hiền Hòa, Tân Mỹ, Phước Thọ, Hòa Bắc, Huỳnh Trúc, Hưng Thái, Đông Thái, Phong Thu và 2 bản : Hạ Long và Khe Trăn. Mới đây, tôi có dịp lên Phong Mỹ thăm chiến khu xưa, thật vui mọi thứ đã đổi khác, đất đai trù phú một vùng xanh tươi. Dọc đường về bản Hạ Long (thăm gia đình liệt sĩ Cu Tin, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) chúng tôi chứng kiến những rừng cao su bạt ngàn; hạ tầng cơ sở, trường học, trạm xá, các trung tâm dịch vụ khá khang trang, hệ thống đường bê tông kiên cố về tận thôn, bản. Điều đáng mừng, trình độ dân trí của đồng bào đã được nâng lên, con em dân tộc thiểu số đều được đi học, nhiều cháu có trình độ đại học, cao đẳng, một số cháu học giỏi được nhận học bổng du học nước ngoài (Nhật Bản, Hà Lan), cô giáo trẻ Nguyễn Thị Bé (dân tộc Pa Hy), giáo viên Văn, THPT đang tiếp tục theo học chương trình Cao học ở trường ĐHSP Huế...
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày nay các huyện, các xã miền núi là căn cứ địa cách mạng, là vùng chiến khu xưa đã thật sự thay da đổi thịt và trỗi dậy một sức sống mạnh mẽ xây dựng Nông thôn mới. Kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương, trong thành tựu chung của Thừa Thiên Huế, chúng ta có quyền tự hào về sự đi lên vững chắc, những kết quả quan trọng, có ý nghĩa của 2 huyện A Lưới, Nam Đông và các xã miền núi thuộc các huyện trong tỉnh.
Phan Công Tuyên
( Nguyên Trưởng Ban TG Tỉnh ủy TT Huế)
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản