Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ

Cập nhật lúc : 13:47 12/12/2019

TRUYỀN THỐNG CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG THỪA THIÊN HUẾ 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Ảnh minh họa

Những chiến công của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


Tiền thân là các đội tự vệ, từng là lực lượng nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế, lực lượng vũ trang nhân dân Thừa Thiên Huế đã ngày càng lớn mạnh dần qua năm tháng chiến đấu, cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh làm nên những chiến công vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 05/9/1945 tại thành phố Huế, Chi đội giải phóng quân Trần Cao Vân, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh được thành lập, với gần 2.000 chiến sĩ đủ các thành phần, giai cấp trong xã hội, đông đảo nhất là thanh niên, học sinh. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, với 50 ngày đêm chiến đấu giữ thành phố Huế vô cùng dũng cảm, giành giật với địch từng góc phố, con đường, quân và dân ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Trong 9 tháng đầu năm 1947, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đánh gần 70 trận, diệt gần 400 tên địch; tiêu biểu nhất là trận Hộ Thành (Huế) và Đất Đỏ (Phong Điền). Tháng 7/1948, Trung đoàn 101 đã diệt đồn Hà Thanh (Phú Vang), tháng 01/1949 tại Hói Mít (Phú Lộc), Tiểu đoàn 319 phối hợp với lực lượng địa phương đánh lật nhào một đoàn tàu quân sự 17 toa, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu và phá hủy 30 tấn vũ khí và hàng chục tấn quân nhu của địch. Tháng 3/1951, đánh tan binh đoàn Bút Tin (Pháp) ở Thanh Hương, tiêu diệt hàng nghìn tên, bắt sống gần 100 tên; tháng 7/1951, đánh tan binh đoàn Sốc Kên (Pháp) đi càn quét ở Thanh Lam Bồ, loại khỏi vòng chiến đấu 950 tên, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, đủ trang bị cho 2 đại đội của ta. Trận thắng này được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Đông Xuân 1953-1954, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, lực lượng vũ trang tỉnh ta đã đánh hơn 200 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắt sống gần 300 tên, vận động hàng trăm binh lính bỏ ngũ, phá hủy hàng chục xe các loại, đánh lật nhào 15 đầu máy, nhiều toa xe lửa, đánh sập 14 cầu, cống, thu và phá hủy nhiều vũ khí, trang bị chiến tranh của địch, ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện của địch từ Nam ra Bắc. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả với Lào và Campuchia, Trung đoàn 101 đã góp phần quan trọng tham gia chiến đấu ở vùng Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia giành nhiều thắng lợi.

Với những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang nhân dân Thừa Thiên Huế được Bác Hồ tặng cờ "Quyết chiến quyết thắng" và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng đất nước vẫn tạm thời chia làm 2 miền. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đơn vị K105 của Thừa Thiên Huế đã đánh phá “ấp chiến lược” Hòa Mỹ (Phong Điền) và phát động quần chúng phá hàng trăm “ấp chiến lược” trong cả 6 huyện, làm thất bại một bước chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ ở Khe Tre (Nam Đông), giải phóng gần 7 vạn dân, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Năm 1965, các đơn vị chủ lực tỉnh đã đánh thắng Mỹ ở Tây Hoàng - Mỹ Phú (Quảng Điền), tiêu diệt 15 xe bọc thép M113 của Mỹ, mở ra khả năng đánh thắng phương tiện hiện đại của Mỹ. Chiến thắng của 26 ngày đêm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã góp phần tạo nên bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. 

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, quân và dân Thừa Thiên Huế đã liên tiếp tấn công địch trên khắp cả 3 vùng chiến lược với các trận đánh ở chi khu quân sự Nam Hòa, Hương Trà, đánh tuyến giao thông trên đường số 1. Sư đoàn 324 và trung đoàn 6 bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng địa phương ta bao vây và tiến công địch ở Động Tranh (Bình Điền) trên đường 12 và cao điểm 372, pháo binh đánh vào các hậu cứ ở Mang Cá, sân bay Tây Lộc, ấp 5 Phú Bài... loại khỏi vòng chiến đấu 7 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 1 ngụy. Cùng với thắng lợi của nhân dân miền Nam, chiến công của quân và dân Thừa Thiên Huế đã góp phần to lớn trong việc buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán, ký Hiệp định Pa ri (27/01/1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Mùa Xuân năm 1975 với tinh thần “thần tốc, táo bạo” lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh tham gia Chiến dịch Trị-Thiên-Huế, tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân ta đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc Quân khu I và vùng I chiến thuật, giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy chúng vào thế khốn đốn suy sụp không gì cứu vãn nổi, tạo đà cho đại quân ta thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiến công giải phóng Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đổi mới.

Sau ngày quê hương giải phóng, đứng trước muôn vàn khó khăn phức tạp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và đời sống, xây dựng chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng cuộc sống độc lập, hòa bình, thống nhất. 

Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống ngoại xâm, lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ ngày thống nhất đất nước 1975 đến nay. Trong khó khăn chung do hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế cũng có những khó khăn nhất định. Song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, địa phương; được sự đùm bọc, giúp đỡ quý báu của nhân dân và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Đảng bộ Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nổi bật là đã góp phần xây dựng chính quyền cách mạng ở các cấp, khắc phục hậu quả chiến tranh; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc; từng bước nâng cao chất lượng tổng hợp của các lực lượng vũ trang; góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kịp thời động viên lực lượng chi viện cho các chiến trường, cùng cả nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, giữ vững độc lập dân tộc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, xứng đáng được Đảng, Nhà nước biểu dương khen ngợi và tặng quân dân Thừa Thiên Huế tám chữ vàng: "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".

Nhận thức rõ vai trò xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức quan trọng để xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong những năm qua, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp quân sự đảm bảo chất lượng. Đến nay, 100% cán bộ trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sạch, lành mạnh, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc với nhân dân, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 100% cán bộ đều được đào tạo qua các trường, trong đó trên 90% có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, trên 96% cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành, đúng cương vị chỉ huy, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.

Địa bàn Thừa Thừa Huế là địa bàn mà các thế lực phản động luôn xem đây là một trong những trọng điểm đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng lợi dụng chiêu bài “dân chủ, tôn giáo, nhân quyền” để kích động, xúi giục một bộ phận giáo dân xuyên tạc, làm sai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xuất phát từ tình hình địa bàn, Thừa Thiên Huế được Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Nhận thức đầy đủ điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chăm lo công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trong đó giáo dục quốc phòng- an ninh được coi là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên.

Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang tỉnh đã có có nhiều đóng góp vào sự nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa đảm bảo cho cơ động tác chiến trong khu vực phòng thủ, ứng cứu khi có thiên tai, bão, lũ và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các địa phương trong toàn tỉnh cũng đã coi trọng, thực hiện tốt các kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ, kế hoạch tác chiến trị an, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng địa bàn an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự và tuyển quân theo phương thức mới,... Lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và làm nòng cốt cho toàn dân trong đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trọng tâm là, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh; xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Trên chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy và Đảng bộ Quân sự tỉnh, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế từng bước được xây dựng và trưởng thành, đóng góp ngày càng to lớn trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn hoạt động phong phú của Đảng bộ Quân sự tỉnh với những chiến công trong đánh giặc giữ nước và xây dựng, phát triển một Đảng bộ cấp trên cơ sở trong thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích.

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế sẽ không ngừng phát huy hơn nữa những truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu viết tiếp những trang sử mới trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hồng Nga - Xuân Hoài 

Tin bài liên quan