- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế: Bản hùng ca của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Tháng Tám năm 1945 đã trở thành mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công đã phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cách mạng Tháng Tám là kết tinh của 15 năm đấu tranh kiên cường, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và phong trào cách mạng từ khắp mọi miền Tổ quốc. Bằng sự kiện nhân dân Hà Nội giành chính quyền ngày 19/8/1945, hệ thống cai trị của địch bị tê liệt, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân các địa phương khác tiến lên đánh đổ chính quyền cơ sở của địch, lập chính quyền cách mạng, trong đó có Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Do đó, cuộc khởi nghĩa ở đây có ý nghĩa và tác động sâu sắc đối với cả nước. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tình hình chính trị ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt là kinh đô Huế rất phức tạp. Ở đây có sự hiện diện của 4.500 quân Nhật thiện chiến được trang bị vũ khí, hậu cần đầy đủ do tướng Yokoyama Matayuki chỉ huy. Chính phủ Trần Trọng Kim được dựng lên, những đội lính khố vàng người bản xứ vẫn được Nhật xây dựng để đàn áp cách mạng. Bên cạnh đó, các tổ chức phản cách mạng thân Nhật xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể kể đến “Hội tân Việt Nam”, “Ðại Việt Quốc Gia liên minh”, “Ðại Việt Duy tân”, “Quốc Dân Ðảng”. Nhóm anh em Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Diệm cũng ráo riết hoạt động, âm mưu đưa Cường Ðể - một hoàng thân có xu hướng thân Nhật về thay Bảo Ðại... Mặt khác lực lượng Việt Minh ở Thừa Thiên Huế bị quân Nhật đàn áp dã man, lực lượng cán bộ chủ chốt phải hoạt động bí mật ở vùng rừng núi. Trước tình hình đó, ngày 23/5/1945, hội nghị cán bộ toàn tỉnh đã được tổ chức tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc). Sau ba ngày làm việc khẩn trương, hội nghị đã thảo luận, phân tích và đánh giá tình hình chung trong cả nước, trong tỉnh, các huyện và thành phố Huế. Hội nghị đã đi đến quyết định: phát động khởi nghĩa khi thời cơ đến, chuẩn bị lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng đảng viên... Hội nghị Cầu Hai đánh dấu bước chuyển quan trọng của tiến trình cách mạng tại Thừa Thiên Huế. Chiến lược, sách lược do hội nghị vạch ra đã được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.
Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, điều kiện khởi nghĩa giành chính quyền đã chín muồi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Thừa Thiên Huế vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hình thái khởi nghĩa hết sức phong phú, có nơi giành chính quyền ở xã, tổng rồi lên huyện; có nơi giành chính quyền ở huyện rồi về tổng, xã; có nơi vừa ở xã, vừa ở huyện. Thành thị phối hợp với nông thôn, nông thôn hỗ trợ thành thị đã đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 23/8/1945, tại sân vận động Huế, trước hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế, Ủy ban Khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hô vang dội. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố: Từ nay chính quyền về tay nhân dân; đồng thời giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại Ngọ Môn. Bảo Ðại đọc thoái vị và trao cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trên Kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca” lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời Huế tự do độc lập trong tiếng hô vang của người dân “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế kết thúc thắng lợi rực rỡ.
70 năm đã qua, thời gian trôi đi càng làm ngời sáng những bài học kinh nghiệm, ý nghĩa lịch sử, âm hưởng và khí thế của Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cách mạng Tháng Tám ở Thừa Thiên Huế đã cổ vũ mạnh mẽ đến tinh thần đấu tranh của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân Trung Bộ. Thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám ở Thừa Thiên Huế là kết quả của một quá trình lựa chọn đúng đắn và hành động mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Mặc dù phải chịu đựng ách cai trị nặng nề nhất tại một trong những trung tâm chính trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít, phong kiến nhưng được trưởng thành trong 15 năm đi theo Đảng, sức quật khởi của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong Cách mạng tháng Tám là biểu tượng rực rỡ nhất của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế chính là thắng lợi của đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, thắng lợi của lòng yêu nước đã trở thành sức mạnh trong tâm hồn nhân dân. Đó cũng chính là thắng lợi của sự chung sức, đồng lòng của nhân dân dưới sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng bộ Thừa Thiên Huế. Hào khí của Cách mạng tháng Tám không chỉ tạo đà để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện nhiệm vụ chống kẻ thù xâm lược trong những năm tháng tiếp theo mà luôn song hành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp trong thời đại ngày nay.
Tuyên giáo TTH
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản