Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ

Cập nhật lúc : 14:12 30/11/2020

Phát biểu chào mừng Hội thảo Khoa học “Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và Quê hương Thừa Thiên Huế”

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng - Chủ tịch nước Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020), sáng nay 30/11, tại thành phố Huế, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và Quê hương Thừa Thiên Huế”. Cổng TTĐT Tỉnh ủy trân trọng đăng toàn văn Bài phát biểu chào mừng của đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.


Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương!

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước !

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và gia đình đồng chí Lê Đức Anh !

 

Kính thưa quý vị đại biểu !

 

Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp quý vị lãnh đạo, các vị khách quý, các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và Quê hương Thừa Thiên Huế”. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin gửi đến quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí lời chào mừng nồng nhiệt, lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công !

 

Kính thưa quý vị đại biểu !

 

Thừa Thiên Huế - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang. Nhiều người con ưu tú của quê hương đã trở thành những chiến sĩ cộng sản trung kiên, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là tấm gương sáng ngời về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất; suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Sinh ra trong một gia đình, dòng tộc có truyền thống hiếu học tại làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc; lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến và thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến; với lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia hoạt động phong trào ở địa phương. Năm 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều vị trí quan trọng: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

 

Quá trình tham gia cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách. Dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Là vị lãnh đạo tài ba, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí Lê Đức Anh đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945; cùng với các đồng chí trong Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền, hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Cuộc tiến công chiến lược năm 1972; Cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cứu nguy dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước. 

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch Nước ký quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Năm 1980, đồng chí được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và lên Đại tướng vào năm 1984. 

 

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương, tham mưu cho Đảng, Nhà nước vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện.

 

Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại; góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố. Đồng chí đã góp phần quan trọng trong quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, nổi bật là quá trình xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc; ký kết nhiều hiệp định, điều ước, để lại những dấu ấn quan trọng và tình cảm tốt đẹp với các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

 

Trưởng thành từ một người lính, thấu hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh để có ngày toàn thắng, đồng chí đã đề xuất ý tưởng phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và được Bộ Chính trị đồng ý. Ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Từ đó đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa", đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam được lan tỏa, hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước.

 

Kính thưa các đồng chí !

 

Gần 80 năm tham gia hoạt động cách mạng; hơn 30 năm chỉ huy chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ; gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh là một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Là một vị tướng dày dạn trận mạc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý trong mọi tình huống; đồng chí luôn có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, trong những thời điểm gay go nhất với nhiều trận đánh mang tính lịch sử, tạo ra những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Lê Đức Anh còn mang trong mình một tính cách chân tình, độ lượng; luôn dành tình cảm thương yêu và quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ. Với gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.

 

Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã dành trọn cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã đi xa nhưng sự hy sinh, đóng góp to lớn của đồng chí sẽ mãi là những trang sử vàng sáng chói, trường tồn cùng với thời gian, dân tộc.

 

Kính thưa quý vị đại biểu !

 

Thừa Thiên Huế là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh. Đồng chí đã để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế niềm tự hào, kính trọng và những tình cảm sâu đậm về một vị tướng tài đức vẹn toàn; vị Chủ tịch Nước gần gũi, giản dị và thân thương.

 

Suốt cuộc đời của mình, đồng chí đã luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với quê hương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí nhiều lần trở lại Thừa Thiên Huế và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng chăm lo cho đời sống, học tập và lao động sản xuất của nhân dân, của đồng bào, chiến sĩ; phải đoàn kết, đồng lòng tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

 

Học tập và noi theo tấm gương của đồng chí Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.

 

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu, vững bước đi lên và đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Những kết quả đó là tiền đề để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Những thành tựu quan trọng trong những năm qua đã khẳng định sự đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đánh dấu bước trưởng thành trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân; tạo tiền đề vững chắc để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.

 

Kính thưa các đồng chí !

 

Hội thảo hôm nay là một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh. Chúng tôi trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, các quý vị đại biểu đã có các tham luận, bài viết tập hợp tư liệu sống động về đồng chí, đóng góp quan trọng cho Hội thảo này.

 

Tin tưởng rằng, qua Hội thảo, chúng ta sẽ làm phong phú, sâu sắc thêm những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta và của quê hương Thừa Thiên Huế. Từ đó, góp phần giáo dục, bồi đắp những giá trị đạo đức, truyền thống cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

 

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, chúc các đồng chí đại biểu, quý vị khách quý dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc!

 

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp !

 

Xin trân trọng cảm ơn.    

 

Theo Tinhuytthue.vn

 

Tin bài liên quan