- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28/01/1941 - 28/01/2021)

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường giải phóng dân tộc và đến năm 1941 mới trở về sau 30 năm bôn ba nước ngoài. 30 năm là một chặng đường dài với biết bao cuộc trường chinh, trải qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, tư tưởng, từ thân phận nô lệ trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường và sáng tạo.
Trở về nước để đi vào quần chúng, thức tỉnh quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc luôn là khát khao cháy bỏng của Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Nhưng để thực hiện khát vọng ấy, Người đã phải trải qua một chặng đường dài đầy gian lao, thử thách. Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng phải đến lần thứ ba, việc tìm đường về nước của Bác Hồ mới thành hiện thực.
Giữa lúc tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng, đặc biệt là sự ác liệt và quy mô rộng lớn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang mở ra nhiều cơ hội cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Ngay khi được tin phát xít Đức tấn công nước Pháp và Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện (tháng 6/1940), nhận thấy cơ hội giải phóng cho dân tộc ta đang đến gần, Bác Hồ đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích tình hình và chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Hội nghị tán thành ý kiến của Người và quyết định tìm đường về nước. Sáng ngày 28/01/1941, tức Mồng 2 Tết, Người rời Nậm Quang trở về quê hương và đến buổi trưa, Người về đến biên giới Việt - Trung, đoạn cột mốc 108. Lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần ba mươi năm xa cách. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”…
Những ngày đầu về nước, Bác Hồ ở lại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó - một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, làm nơi đứng chân đầu tiên. Từ ngày 08/02/1941, Người bắt đầu sống, làm việc tại đây và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới.
Trước sự biến động sâu sắc của tình thế cách mạng trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng, đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách kịp thời, nhạy bén để thúc đẩy phong trào quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc khi thời cơ đến, tháng 5-1941, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã xác định, cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng làm tay sai cho chúng; nguyện vọng của nhân dân Đông Dương lúc này là đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập… Hội nghị nhất trí cần giương cao ngọn cờ độc lập và có sự thay đổi cả về chiến lược, sách lược cách mạng nhằm động viên toàn dân cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn lao ấy. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Theo đề nghị của Bác, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm liên hiệp các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, làm cho nước Việt Nam và cả xứ Đông Dương được hoàn toàn độc lập.
Như vậy, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước cùng đồng bào đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị Trung ương lần thứ Tám với sự thay đổi chiến lược, sách lược cách mạng trong việc giải quyết một cách đúng đắn, biện chứng mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 7 trước đó. Sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo này đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, thực chất là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam đã được nêu ra trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt từ đầu năm 1930, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và đưa cách mạng đến thắng lợi rực rỡ trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, là đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với ý nghĩa lớn lao đó, sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 là một mùa Xuân đặc biệt trong cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Người, là mùa xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau gần ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, để rồi từ đó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa xuân cho dân tộc.
Mùa Xuân năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm tròn 80 mùa Xuân ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (28/01/1941 - 28/01/2021). Càng nhớ Bác, nhớ đến công lao và sự hy sinh cao cả của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước chúng ta càng nhận thức trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và biết bao thế hệ cha anh đã không quản ngại hy sinh, gian khổ và để lại, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế khẳng định quyết tâm tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa những lời dạy, lời di huấn của Người vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, quyết tâm xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Đồng Thị Ly
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản