Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ

Cập nhật lúc : 09:38 08/02/2021

KỶ NIỆM 75 NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (06/01/1946 - 06/01/2021)

Ảnh minh họa

Ngày 02/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).


Ngày 03/9/1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...".

 

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu.

 

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, già trẻ, gái trai đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 06/01/1946 để đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

 

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành. Kết quả, có 6 trong 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta, đồng thời, đó cũng là biểu hiện cho khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam trải qua 04 thời kỳ: thời kỳ 1946 - 1960, Quốc hội khóa I diễn ra 14 năm; thời kỳ 1960 - 1980, Quốc hội có 05 khóa hoạt động từ khóa II đến khóa VI; thời kỳ 1980 - 1992, Quốc hội có 02 khóa VII, VIII; thời kỳ 1992 cho đến nay, Quốc hội có 06 khóa hoạt động từ khóa IX đến khóa XIV. Trải qua 75 năm với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, vị trí, vai trò ngày càng được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị của đất nước. Là cơ quan nhà nước giữ vai trò lập pháp, với các chức năng cơ bản: soạn thảo và ban hành hiến pháp, các luật; giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia, Quốc hội đã thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân, góp phần xây dựng và ngày càng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

Một trong những cống hiến to lớn của Quốc hội là đã xây dựng và ban hành các bản Hiến pháp của nước ta - văn kiện chính trị - pháp lý cực kỳ quan trọng. Từ năm 1946 cho đến nay, Quốc hội nước ta đã ban hành 05 bản Hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013, hiến định đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, chế độ chính trị và các vấn đề hệ trọng của đất nước, vừa mang những giá trị phổ quát của nhân loại vừa phù hợp với điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Cùng với chức năng lập hiến, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng nâng cao chất lượng, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý xã hội, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và các điều đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Hoạt động nghị trường ngày càng dân chủ, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Các đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là Người đại biểu của Nhân dân.

 

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 75 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. 

 

Năm 2021 là năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn, đặc biệt dịch bệnh Covid - 19 còn diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta không được chủ quan, lơ là; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng; kiên quyết trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

 

Dương Thị Thanh Thủy

Tin bài liên quan