- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
Kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2017): Điểm cao 560 dãy Kim Sắc – trận then chốt trong Chiến dịch Trị Thiên – Huế

Trận tiến công địch ở khu vực điểm cao 560 dãy Kim Sắc là trận đánh then chốt, quan trọng trong Chiến dịch Trị Thiên – Huế. Nhờ thắng lợi trong trận đánh này mà các lực lượng của ta có điều kiện hợp vây, tiêu diệt toàn bộ các đơn vị của địch ở Thừa Thiên – Huế.
Sau khi ta đánh chiếm các khu vực còn lại của tỉnh Quảng Trị và khu vực Mỏ Tàu – điểm cao 303, địch vội vã tổ chức lại hệ thống phòng thủ mới để giữ phần đất Thừa Thiên. Trên hướng Bắc, chúng đưa 17 tiểu đoàn bộ binh và một bộ phận pháo binh thiết giáp, lập phòng thủ Mỹ Chánh – Sông Bồ. Trên hướng Tây và Tây Nam Huế, địch sử dụng lực lượng của Sư đoàn 1 và một bộ phận pháo binh, thiết lập chốt giữ trên vòng cung từ núi Gió, hòn Vượn qua Bình Điền về Mỏ Tàu, điểm cao 330. Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến, lữ đoàn 914 bảo an cùng các lực lượng khác giữ tuyến đường 1 từ Huế đi Đà Nẵng.
Lực lượng địch giữ tuyến đường 1A gồm có Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến, Liên đoàn 915 biệt động quân, 1 tiểu đoàn của trung đoàn 1, lữ đoàn 914 bảo an. Trên dãy các điểm cao 560, 940, 520, Lộc Điền, Dàn Bò (366) do tiểu đoàn 61 biệt động quân chiếm giữ, sở chỉ huy ở điểm cao 560. Dãy Kim Sắc do tiểu đoàn 60 biệt động quân chốt giữ. Điểm cao 363 do tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến cùng một trung đội pháo 105 chốt giữ. Địch tổ chức các cụm chốt tiểu đoàn được cấu trúc theo kiểu phòng ngự khu vực. Công sự, vật cản trên các điểm cao chủ yếu là gỗ đất hoặc tương đối vững chắc. Riêng điểm cao 560 có 2 hàng rào thép gai, địch bố trí nhiều bãi mìn bộ binh. Tại các căn cứ Phú Lộc, Lương Điền, Phước Tượng có công sự vững chắc.
Trong quyết chiến đấu, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Quân đoàn 2 tiến công hướng chủ yếu. Trong đó, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Sư đoàn 324 tiến công vào khu vực Mỏ Tàu – điểm cao 303 trong đợt 1; sư đoàn 325 tiến công địch ở điểm cao 560 – Kim Sắc, đánh cắt đường số 1 ở đợt 2. Lực lượng của Quân khu Trị Thiên đảm nhiệm trên các hướng khác, cụ thể: Trung đoàn bộ binh 46, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, cùng 5 tiểu đoàn bộ đội địa phương, Tiểu đoàn 8 và 1 đại đội đặc công cùng bộ đội huyện và du kích các xã ở Quảng Trị.
5 giờ 50 phút ngày 21-3, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công địch. Hỏa lực pháo binh của ta chế áp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng, mũi mở cửa. Đến 6 giờ 40 phút, khi hỏa lực pháo binh chuyển làn, từ các hướng, quân ta đồng loạt xung phong, đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Ở hướng tiến công chủ yếu, sau 15 phút chiến đấu, ở mũi của Tiểu đoàn 9, Đại đội 11 chiếm được điểm cao 494, Đại đội 10 làm chủ sân bay trực thăng, nhưng quân địch dùng hỏa lực ngăn chặn không phát triển được. Ở mũi tiến công Tiểu đoàn 7, quân ta nhanh chóng chiếm điểm cao 520 và phát triển đánh chiếm Yên Ngựa (giữa 2 điểm cao 520 và 560). Quân địch dựa vào hệ thống hầm hào dùng hỏa lực ngăn chặn quyết liệt các mũi tiến công của ta. Từ 7 giờ đến 10 giờ, Tiểu đoàn 9 nhiều lần xung phong nhưng đều bị địch đánh chặn lại, sức tiến yếu dần. Cùng thời gian, trên hướng tiến công chủ yếu của Trung đoàn 101, ở mũi tiến công chủ yếu, do Tiểu đoàn 3 chiếm lĩnh sai vị trí xuất phát xung phong nên khi pháo binh bắn chuẩn bị, Tiểu đoàn mới cơ động vào đúng vị trí, không tổ chức xung phong được. Ở mũi tiến công thứ yếu, Tiểu đoàn 2 đánh vào các điểm cao 312 bị địch dùng hỏa lực ngăn chặn phải lùi về tuyến xuất phát.
Trước tình hình trên, Tư lệnh Sư đoàn quyết tâm tập trung lực lượng chi viện cho Trung đoàn 18 nhanh chóng dứt điểm điểm cao 560, phát triển xuống đường 1. Trung đoàn 18 đưa Tiểu đoàn 8 là dự bị vào tăng cường cho mũi của Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 7 để lại một bộ phận chốt giữ trận địa đã chiếm được, còn lại phát triển sang phối hợp với Tiểu đoàn 9 đánh chiếm điểm cao 560. Trung đoàn 101 sử dụng Tiểu đoàn 3 vây chặt quân địch ở các điểm cao 310 và 312, Tiểu đoàn 2 tiếp tục đánh vào điểm cao 329 phối hợp với các hướng chủ yếu. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 101 cơ động sang hướng Trung đoàn 18 sẵn sàng đánh địch phản kích và phát triển xuống đường số 1.
Đến 15 giờ, ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn 61 biệt động quân. Cùng thời gian, trên hướng tiến công của Trung đoàn 101, sau nhiều lần đột phá, 2 tiểu đoàn 2 và 3 phát triển tiến công tiêu diệt quân địch ở các điểm cao 312 và 310. Đúng 16 giờ ngày 21-3, Sư đoàn 325 đã hoàn toàn làm chủ khu vực điểm cao 560 và dãy Kim Sắc (trừ điểm cao 329).
Bị mất các dãy điểm cao án ngữ đường số 1, chiều 21-3, địch đưa quân lên tăng cường giữ các vị trí: Bạch Thạch, điểm cao 200, Dàn Bò và tổ chức thêm một số chốt ở quả đồi dưới dãy 560 – Kim Sắc.
Tư lệnh Sư đoàn 325 lệnh cho 2 Trung đoàn 18 và 101 để lại 2 tiểu đoàn 9 và 3 giữ bàn đạp 560 - Kim sắc, còn đại bộ phận lực lượng nhanh chóng tiến xuống đánh cắt hoàn toàn đường 1. Trong đêm 21 rạng ngày 22-3, Trung đoàn 18 tổ chức cơ động ra đường 1. Đến khoảng 8 giờ ngày 22-3, Tiểu đoàn 7 ra đến đường 1 đã nhanh chóng tổ chức thành ba mũi tiến công tiêu diệt đồn Dàn Bò, sau đó phát triển đánh chiếm đồn Bạch Thạch. Trong lúc Tiểu đoàn 7 đang đánh địch phản kích từ Cát Sơn xuống thì Tiểu đoàn 8 cũng vận động đến Nam đồi Không Tên, hình thành hai mũi tiến công chiếm làng Bạch Thạch, đánh bại phản kích của địch từ Đá Bạc và điểm cao 200 xuống. Đến 11 giờ ngày 22-3, Trung đoàn 18 khống chế hoàn toàn đoạn đường 1 dài 3km từ Đông Bái Sơn đến Đông Bạch Thạch. Phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 18, Trung đoàn pháo binh 84 cũng sử dụng pháo 85mm và cao xạ 37mm bắn xe địch chạy trên đường số 1 và kiềm chế pháo binh địch ở Lương Điền, Phước Tượng, Phú Lộc, chi viện cho Trung đoàn 18 bám trụ cắt đường. Trên hướng của Trung đoàn 101, sau khi tiêu diệt một bộ phận địch ở điểm cao 329, Tiểu đoàn 3 (thiếu 2 đại đội) và Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 tiếp tục truy kích khi lực lượng còn lại của chúng rút chạy về bình độ 275.
13 giờ ngày 22-3-1975, Bộ tư lệnh chiến lệnh Sư đoàn 325 mở rộng khu vực tác chiến, kiên quyết tiêu diệt không cho địch mở thông đường 1 để rút chạy về co cụm tại Đà Nẵng. Để tiến công Lương Điền, Trung đoàn 101 sử dụng Tiểu đoàn 3 tiến công vào căn cứ từ phía điểm cao 44; Tiểu đoàn 2 vu hồi theo hướng Tây Bắc đánh vào. Trung đoàn 18 tiến công địch ở Mũi Né, chi khu Phước Lộc, căn cứ Phước Tượng. Trung đoàn pháo binh 84 sử dụng pháo 85mm khống chế đường 1A và tàu địch ở đầm cầu Hai, cửa Tư Hiển. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 23-3-1975, Trung đoàn 101 làm chủ hoàn toàn khu vực.
Thắng lợi của trận then chốt này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của chiến dịch hợp vây, tiêu diệt toàn bộ các đơn vị của địch ở Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, ta đã khống chế Sư đoàn 1 ngụy, không cho địch co cụm lớn về Đà Nằng.
Trận đánh thắng lợi là do có sự chuẩn bị chu đáo, tạo lập thế trận vững chắc. Điển hình là, khi giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 325, Bộ tư lệnh chiến dịch nhấn mạnh: "Cắt đứt đường 1 là trận then chốt mở đầu đợt 2 của chiến dịch”. Từ tầm quan trọng này, Bộ tư lệnh đã cử một đoàn cán bộ xuống giúp đỡ Sư đoàn 325. Từ đó, ta đã tiến hành chuẩn bị lực lượng, huấn luyện, bí mật xây dựng thiết bị chiến trường công phu, cơ động lực lượng và một khối lượng vật chất lớn vào bảo đảm cho chiến đấu. Tổ chức thắng lợi trận then chốt chiến dịch, còn do Bộ tư lệnh đã tận dụng được thời cơ do thế trận sau đợt 1 của chiến dịch đã tạo ra.
Trong lúc địch ở Thừa Thiên - Huế đang phải căng lực lượng đối phó với tiến công của ta từ nhiều hướng, nhất là hướng Bắc và Tây -Tây Nam, ta đã bất ngờ sử dụng Sư đoàn 326 tiến công đánh cắt đường 1. Mặc dù biết địch biết mũi tiến công đánh thẳng vào sau lưng, nhưng quân địch không thể dứt bỏ những vị trí phòng thủ quan trọng để quay lại đối phó được. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như địa hình hiểm trở, địch phản kích quyết liệt, nhưng các cấp kiên quyết chỉ huy bộ đội phát triển chiến đấu, mở rộng phạm vi kiểm soát. Để đánh trận then chốt, Bộ tư lệnh sử dụng Sư đoàn 325 (thiếu) và sẵn sàng đưa Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) vào chiến đấu. Tuy ta sử dụng lực lượng không áp đảo so với toàn bộ lực lượng của địch ở khu vực Phú Lộc, nhưng ta đã tận dụng được thế trận mới về chiến lược tác động đến thế và lực của chiến dịch để tạo ra lực đánh thắng trận then chốt này.
Trận tiến công địch ở khu vực điểm cao 560 dãy Kim Sắc giành thắng lợi là trận đánh then chốt hay trong Chiến dịch Trị Thiên – Huế, buộc Sư đoàn 1 của địch phải phân tán lực lượng, không thể co cụm về Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để ta giải phóng Đà Nẵng sau này.
NGUYỄN MẠNH HÙNG (Học viện Chính trị)
(Tài liệu tham khảo: Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Nhà Xuất bản QĐND 2001)
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản