Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ

Cập nhật lúc : 10:58 19/05/2017

Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2017): Món quà thiết thực, ý nghĩa nhất dâng Bác

Với tình cảm kính trọng nhất, Đảng, Nhà nước và nhân dân muốn hàng năm tổ chức mừng ngày sinh nhật cho Bác, nhưng đều bị Người khước từ, cho dù Người rất trân trọng những tình cảm quý mến đó. Bác khước từ vì không muốn Đảng, Nhà nước và nhân dân tốn kém thời gian, tiền của và lại càng không muốn sự sùng bái cá nhân mình.


Bác khước từ bởi Người khiêm tốn và luôn tự nhận thấy: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của  đồng bào”, bởi: “Tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình”. Một con người luôn luôn đặt cái chung lên trên cái riêng, khi đất nước còn chiến tranh, Tổ quốc chưa thống nhất thì Người không thể hưởng niềm hạnh phúc cho riêng mình.

Năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Bác đã trả lời với những người đề nghị tổ chức sinh nhật cho mình: “Vì việc nước chưa nên nghĩ đến nhà. Năm 90 tuổi vẫn chưa già. Chờ cho kháng chiến thành công đã, bạn hãy ăn mừng sinh nhật ta”.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình lập lại, cứ đến ngày sinh nhật, Người lại đi thăm hỏi nhân dân để tránh các cơ quan, đoàn thể, đồng bào đến chúc mừng. Khi không thể khước từ, Bác đành chấp nhận, nhưng chấp nhận có điều kiện. Đồng chí Xuân Thủy kể lại, năm 1950, các cơ quan Trung ương liên tục đề đạt tổ chức mừng sinh nhật cho Bác, cuối cùng Người đành phải chấp nhận, nhưng sẽ tổ chức muộn sau 2 ngày. Người nói: “Thôi thì, nhân có một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ sẽ được triệu tập vào ngày 21-5, chiều họp xong, sẽ xin có buổi tiếp khách chung”. Một lãnh tụ luôn canh cánh nghĩ về dân, lo cho dân, không nghĩ về mình, nên tổ chức mừng sinh nhật Bác vô cùng tiết kiệm, giản dị nhưng vui tươi, đầm ấm. Quà mừng sinh nhật Bác chỉ giản đơn là một bó hoa hồng, loài hoa Bác ưa thích nhất, nhưng Bác vẫn dặn đi, dặn lại đồng chí Lê Duẩn: “Các chú chỉ tặng Bác 5 bông hồng thôi nhé!”.

Vào năm cuối cùng của cuộc đời, khi biết Bộ Chính trị quyết định tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970, gồm: Ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và 80 năm ngày sinh của Bác, một lần nữa Người lại khước từ. Người đề nghị với các đồng chí trong Bộ Chính trị: “Lênin là lãnh tụ, là bậc thầy, Bác là học trò của Lênin, việc kỷ niệm ngày sinh Lênin là đúng, nhưng sao các chú lại đặt việc riêng của Bác ngang hàng với Lênin?”. Và thật cảm động khi Người đề nghị: “Nhân dân còn nghèo khổ, tiền bạc để tuyên tuyền và tổ chức ngày sinh nhật Bác hãy dùng vào việc mua sách, giấy, mực và đồ dùng học tập cho các cháu”.

Những ngày này, cả nước lại hướng về ngày sinh lần thứ 127 của Người trong niềm bồi hồi nhớ Bác. Càng nhớ Bác, chúng ta càng phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người một cách thiết thực nhất. Dẫu biết rằng kinh tế của đất nước, đời sống của nhân dân hôm nay đã có bước tiến vượt bậc, nhưng nước ta vẫn còn không ít khó khăn, do vậy không nên để hiện tượng sống đua đòi, tổ chức sinh nhật, thôi nôi, tân gia, lên chức... một cách linh đình, tốn kém, lãng phí. Nhớ Bác, biết ơn Bác, chúng ta hãy đoàn kết, quyết tâm xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây chắc chắn là món quà sẽ làm Bác vui và hài lòng nhất.

Theo baobariavungtau.com.vn

Tin bài liên quan