Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 07:49 22/06/2018

VÌ BỮA CƠM AN TOÀN

Để có “Bữa cơm an toàn” cho gia đình, nhiều phụ nữ không chỉ là người tiêu dùng thông minh mà còn hướng tới là người sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch.


Người nội trợ thông thái

Bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng nhiều năm nay, chị Trần Thị Nam Phương, nhân viên quân lực của Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn luôn dành thời gian chăm chút bữa ăn cho gia đình. Chị kể, không có nhiều thời gian nên bữa ăn hàng ngày của gia đình chị ít cầu kỳ món này món kia, nhưng luôn đáp ứng đủ 4 nhóm thực phẩm chính để đảm bảo dinh dưỡng và chú trọng đến an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Theo chị Phương, để đối phó với thực phẩm không an toàn, chị luôn chọn mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc, đọc kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, đối với các sản phẩm nhập khẩu phải kèm nhãn... Khi mua, chị thường chọn thực phẩm của địa phương, “mùa nào, thức nấy” để mua được đồ tươi, chất lượng.

Để có bữa ăn an toàn cho gia đình, chị Phan Thị Phương My, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPNVN) huyện Quảng Điền đã tận dụng diện tích trong vườn để trồng rau, chăn nuôi gà. Hàng ngày, vào thời gian rảnh rỗi, các thành viên trong gia đình thay nhau chăm sóc. Với cách làm này, chị My và các con vừa có thời gian thư giãn sau giờ làm, giờ học, vừa có thực phẩm sạch cho bữa cơm gia đình. Chị cũng bổ sung cho bữa cơm gia đình bằng những thức ăn mua tại nơi uy tín, có nguồn gốc.

Chị Đỗ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Hội LHPN tỉnh thì luôn tìm đến các tổ liên kết sản xuất sản phẩm sạch do phụ nữ làm chủ để lựa chọn thực phẩm an toàn. Ở đó, chị Vân không những yên tâm về nguồn gốc thực phẩm mà còn giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm. “Tôi đã giới thiệu để nhiều người nội trợ biết đến sản phẩm sạch của các tổ liên kết do phụ nữ làm chủ”, chị Vân thông tin.

Sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch

Đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ cơ sở sản xuất chả da Quang Thảo (xã Quảng Thành, Quảng Điền) cho biết, tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu để làm chả da không những phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà còn phải đảm bảo tươi, ngon. Lá chuối dùng để gói chả cũng phải tươi, đẹp, sau khi lau sạch còn phải nhúng qua nước sôi, sau đó lau lại thêm một lần nữa... Sản phẩm của cơ sở chị Thảo không những chen chân được vào các tiệc cưới lớn ở thành phố, mà còn ra ngoại tỉnh và “lên máy bay” đi nước ngoài.

Chị Hoàng Thanh Mai, chủ cửa hàng rau sạch Mai Organic (TP. Huế) bày tỏ: “Thực phẩm bẩn là mối lo ngại cho bữa cơm gia đình và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thế hệ mai sau”. Đó là lý do chị dồn hết tâm huyết của mình để đầu tư cửa hàng rau sạch Mai Organic. Chị lặn lội về xã Hương Phong, Thị xã Hương Trà thuê 5ha đất để sản xuất nông sản sạch. Trước khi thuê kỹ sư nông nghiệp cũng như công nhân sản xuất nông sản sạch theo đúng qui trình Vietgap, chị Mai đưa mẫu đất và nước tưới rau đi kiểm nghiệm chất lượng. Hiện cửa hàng của chị đã có nhiều sản phẩm như cà chua, dưa chuột, rau các loại... và đang là địa chỉ tin cậy của nhiều người nội trợ thông thái cùng một số trường mầm non chất lượng cao trên địa bàn Thành phố Huế.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 08 mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Mỗi mô hình được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng và tập huấn kỹ thuật sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn, bền vững. Đối với các hội viên khi tham gia mô hình, phải cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, chịu sự giám sát của các đơn vị liên quan cũng như tự thống nhất xây dựng quy chế hoạt động để mang lại hiệu quả lâu dài. Từ 8 mô hình ban đầu, nay đã phát triển lên 20 mô hình, tổ liên kết sản xuất sạch trên địa bàn toàn tỉnh.

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức Ngày hội gia đình với chủ đề "Phụ nữ sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu dùng sạch" và hội thi “Bữa cơm an toàn” với nhiều hoạt động như: trưng bày sản phẩm an toàn của các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình hội viên, phụ nữ; hội thi nấu ăn... Đây là cơ hội để các đơn vị giới thiệu, kết nối sản phẩm sản xuất theo qui trình an toàn, hợp vệ sinh và người nội trợ có thêm kiến thức để đem lại “Bữa cơm an toàn” cho gia đình.

 

BAN TUYÊN GIÁO HỘI LHPN TỈNH

Tin bài liên quan