Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 10:40 16/11/2017

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ QUYẾT TÂM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI NĂM 2017

Sáng ngày 14/11/2017, Sở LĐTBXH phối hợp cùng với UBND thị xã Hương Thủy đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Tham dự buổi Lễ có đồng chí Đinh Khắc Đính – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các đồng chí Lãnh đạo Sở LĐTBXH, Thị xã Hương Thủy và các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.


Tại buổi Lễ, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu khai mạc và phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017. Đồng chí nhấn mạnh: “Một quốc gia phát triển bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau” là một quốc gia mà nơi đó mọi phụ nữ và trẻ em gái sẽ không còn chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào, không còn là nạn nhân của bất kỳ hình thức bạo lực nào ở mọi lúc, mọi nơi. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta cùng hành động, cùng chung tay thực hiện bằng trách nhiệm và nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng.”. Qua đó kêu gọi “tất cả chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy cùng lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại và có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.”.

Có thể nói, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thị trường lao động - việc làm phát triển chưa bền vững đã tác động nhiều đến lao động nữ. Bất bình đẳng giới trong các cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, trong thực hiện chính sách đối với lao động nữ và cả ngay trong gia đình cũng khiến cho khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực chưa được thu hẹp. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng được xem là những trở ngại lớn trong việc giảm bất bình đẳng giới ở Thừa Thiên Huế. Đây vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm, nhiều nạn nhân vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo, nhất là khi người gây bạo lực, xâm hại chính là người thân của họ. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán phụ nữ ngày càng phức tạp hơn. Tình trạng tảo hôn vẫn còn, nhất là ở vùng sâu , vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân các nạn nhân mà còn tác động và là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bất bình đẳng giới luôn được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật đòi hỏi phải đi đôi với vận hành đồng bộ các cơ chế thích hợp giúp phụ nữ và trẻ em gái được tham gia, đóng góp và được thụ hưởng một cách công bằng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.  Vì vậy, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Thừa Thiên Huế, các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình và đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi được những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm trong việc rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi toàn diện các chính sách, pháp luật liên quan; không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong gia đình và ngoài xã hội nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cũng cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại hơn là lựa chọn cách im lặng.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai với ý nghĩa là một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Việc các cơ quan, tổ chức có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để hưởng ứng Tháng hành động năm 2017 được xem như một sự khẳng định mạnh mẽ cho cam kết cùng chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. 

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia xếp hạng và xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trên các lĩnh vực.

 

HOÀNG TÙNG

Tin bài liên quan