Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 13:54 11/07/2017

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác phổ cập giáo dục

Đó là sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ tại Công văn số 557-CV/TU ban hành ngày 23/6/2017 về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW, ngày 05/12/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xoá mù chữ cho người lớn”.


Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch 26-KH/TU, ngày 20/6/2012. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW, Kế hoạch 26-KH/TU công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xoá mù chữ (XMC) tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả phấn khởi, cụ thể: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; 84,2% xã, phường, thị trấn đạt mức độ III phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, 15,1% đạt mức độ II và 0,7% đạt mức độ I; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 59,9% đạt chuẩn mức độ II; 16 xã, phường, thị trấn “Có 80% thanh niên trong độ tuổi có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương”... Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng: đến nay, toàn tỉnh hiện có 287/594 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 48,31%, trong đó: Mầm non: 64/206 trường, đạt 31,06 %; Tiểu học: 151/216 trường, đạt 70,23%; THCS: 59/132 trường - tỷ lệ 44,69 % và THPT: 13/40 trường, đạt 32,50%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng: toàn tỉnh có 4.068 giáo viên bậc mầm non, 100% đạt chuẩn; trên chuẩn là 3.381 giáo viên, đạt 83,11%; giáo viên dạy lớp 5 tuổi là 1.165 người, trên chuẩn là 1.062 giáo viên, đạt 91,15%. Đối với bậc tiểu học, tổng số giáo viên là 5.010 người, đạt chuẩn 100%; có 4.777 giáo viên trên chuẩn, đạt 95,35%. Đối với bậc THCS, tổng số giáo viên là 4.324; 100% giáo viên đạt chuẩn; có 3.652 giáo viên trên chuẩn, đạt 84,46%. Đối với bậc THPT, tổng số giáo viên là 2.441; có 476 giáo viên trên chuẩn, đạt 19,5%.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW vẫn còn một số hạn chế: công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự phát huy có hiệu quả; phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề thấp. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với nhu cầu. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp tại một số địa phương chưa phù hợp; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia nhìn chung vẫn còn thấp, nhất là đối với bậc mầm non...

          Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10-CT/TW, Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 23/6/2017 Thường trực Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 557-CV/TU, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý nhà nước, đối với công tác PCGD, XMC và phân luồng học sinh sau THCS. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời.

2. Tiếp tục đưa các chỉ tiêu về PCGD, XMC vào kế hoạch hoạt động, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị, xã hội, coi đây là tiêu chí đánh giá, phân loại, thi đua khen thưởng hàng năm của các địa phương, đơn vị và cá nhân. Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo PCGD, XMC các cấp. Tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về PCGD, XMC và phân luồng học sinh sau THCS.

3. Các cấp, các ngành và các địa phương phải thường xuyên quan tâm, chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác PCGD, XMC; quản lý trẻ em trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, vận động trẻ em trong độ tuổi ra lớp nhất là trẻ em từ 3 - 5 tuổi vào mẫu giáo; thường xuyên phối hợp với nhà trường trong quản lý học sinh. Mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp, vận động các gia đình đưa trẻ đến trường, huy động số trẻ bỏ học trở lại trường.

4. Các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội đối với công tác PCGD, XMC và phân luồng học sinh sau THCS.

5. Các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường công tác quản lý xã hội, chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp hửu hiệu để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khoá và phát huy vai trò giáo dục của gia đình, của đoàn thể, nhất là Đội TNTP và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giáo dục nhân cách, lối sống, rèn kuyện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ; ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng xâm hại đến học sinh, nhất là tại các cơ sở giáo dục mầm non.

6. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Ngành giáo dục - đào tạo, lao động, thương binh và xã hội tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, có tính khả thi để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS; có chính sách khuyến khích đối học sinh sau THCS đi học nghề; phối hợp chặt chẽ với các doang nghiệp, người sử dụng lao động để giải quyết việc làm đối với học sinh sau khi học nghề. Chú trọng phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo của trường cao đẳng, TCCN và dạy nghề; tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

7. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá nhằm thu hút nguồn lực trong nhân dân, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các thành phần kinh tế đầu tư cho giáo dục, nhất là cho công tác PCGD, XMC ở những xã khó khăn, vùng biển, miền núi, ở các khu tái định cư. Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ hợp lý thúc đẩy hệ thống giáo dục, đào tạo ngoài công lập ngày càng phát triển, nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường tư thục; có cơ chế ưu đãi tín dụng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập.

8. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để có cơ sở xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên hợp lý. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ giáo viên giỏi về giảng dạy tại miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bích Ngọc

Tin bài liên quan