Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 00:20 01/07/2016

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực khắc phục sự cố môi trường biển và hỗ trợ người dân vùng biển ổn định đời sống.

Thời gian qua, trên vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra tình trạng thủy hải sản chết bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, môi trường. Hoạt động đánh bắt cá vùng ven bờ của ngư dân ngừng trệ hoàn toàn, thuyền đánh bắt phải nằm bờ, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch của người dân các địa phương dọc ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn, do tâm lý người tiêu dùng hoang mang, không dám sử dụng tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản và các dịch vụ liên quan.


Trước tình hình trên, nhằm tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ô nhiễm biển miền Trung, Trung ương và địa phương các vùng bị ảnh hưởng đã tích cực triển khai, tổ chức nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục sự cố môi trường biển và hỗ trợ người dân ven biển ổn định đời sống. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành liên quan, các địa phương bị ảnh hưởng có biện pháp xử lý kịp thời.

Tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá để xét nghiệm; cử cán bộ chuyên môn liên quan phối hợp với các đoàn công tác của Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất các biện pháp khắc phục. Tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang và hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển xa, cá trong vùng đầm phá; huy động các lực lượng thu gom cá chết để xử lý tiêu hủy, chôn cất theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường ở vùng biển. Tích cực tuyên truyền, giải thích, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt ở vùng biển xa bờ ngoài 20 hải lý và theo dõi hải trình đánh bắt của các tàu đánh cá, kiểm tra chất lượng cá, cấp giấy xác nhận thủy hải sản được đánh bắt từ vùng biển an toàn để tiêu thụ, đến nay đã tiến hành cấp 237 giấy xác nhận khai thác xa bờ cho 1.582 tấn cá các loại nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông buôn bán hải sản; tại các siêu thị Coop Mark, Big C, các chợ của huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành tổ chức các điểm bán cá biển an toàn. Thường xuyên theo dõi diễn biến thực tế trên các vùng biển, cửa sông; tăng tần suất lấy mẫu nước thường xuyên để quan trắc, cảnh báo đến các vùng khai thác, nuôi trồng thủy sản tập trung (vùng nuôi cá lồng, trên cát, trong đầm phá). Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương để xử lý, áp dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ khắc phục hậu quả...

Để giúp cho người dân ven biển khắc phục những khó khăn do hiện tượng thủy hải sản chết bất thường, tỉnh có nhiều biện phạm tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống như: Tiếp nhận 800 tấn gạo và 15,5 tỷ đồng từ Trung ương; nhận từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương và địa phương 25 tấn gạo và số tiền 8,551 tỷ đồng và các nguồn hỗ trợ này đã được chuyển kịp thời đến đúng đối tượng. Sở Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá tình hình và mức độ ảnh hưởng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch dịch vụ để có kế hoạch phương án đề xuất hỗ trợ, phục hồi hoạt động kinh doanh, ổn định cuộc sống. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các điểm kinh doanh thủy, hải sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (Sản phẩm hải sản đánh bắt từ vùng biển xa an toàn, được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng đề án cho các hoạt động đánh bắt cá vùng ven bờ và nghề nuôi trồng thủy sản. UBMTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn theo chức năng nhiệm của mình có trách nhiệm tìm kiếm, vận động kêu gọi các nguồn hỗ trợ; tổng hợp danh sách các hộ gia đình gặp khó khăn và giúp đỡ người dân tiếp cận để được hỗ trợ khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất, ổn định đời sống; tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe. Cục Thuế Thừa Thiên Huế chỉ đạo các Chi cục Thuế ở các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát tổng hợp đánh giá mức độ ảnh hưởng thiệt hại đối với các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để có phương án thực hiện cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát, thống kê tình hình thiệt hại của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng do thủy, hải sản chết bất thường để có phương án và thông báo kịp thời cho người dân biết về cơ chế hỗ trợ lãi suất thực hiện chính sách tín dụng, khoanh nợ, giản nợ và tạo điều kiện cho người dân tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

                                                                             Kiều My

Tin bài liên quan