Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 07:46 20/11/2018

Thừa Thiên Huế: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng hoa chúc mừng Đại học Huế nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII).


Củng cố, mở rộng quy mô

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 489 trường mầm non, tiểu học và phổ thông, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 230.667 học sinh. Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm và nguồn vốn từ các chương trình, dự án, ngành Giáo dục đã xây dựng nhiều công trình mới, sửa chữa các công trình đã hư hỏng, xuống cấp; bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia tăng: kết thúc năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 331/593 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 56,01% (tăng 6,5% so với năm học trước).

Không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh. Hệ thống giáo dục ngoài công lập có bước phát triển với 19 trường mầm non tư thục, 01 trường tiểu học tư thục, 03 trường THPT tư thục, 01 trường cao đẳng tư thục, 01 trường trung cấp tư thục, 01 trường đại học ngoài công lập.

Bên cạnh đó, giáo dục đại học, cao đẳng có bước phát triển mới. Đại học Huế là trung tâm giáo dục - đào tạo của miền Trung và cả nước với 8 trường đại học thành viên thành viên, 2 khoa, 1 phân viện... Ngoài ra, 06 trường cao đẳng, 7 trường THCN, trung cấp nghề và dạy nghề đã góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề của tỉnh và cả nước.

Lễ Tuyên dương “Giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu” năm 2018 do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức.

Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức

Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên được Thừa Thiên Huế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo. Đầu năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục phổ thông có 15.473 nhà giáo và 1.383 cán bộ quản lý. Tỷ lệ cán bộ quản lý trên chuẩn tăng từ 88,9% (năm 2013) lên 90,2% (năm 2018); Giáo viên trên chuẩn tăng từ 71,74% (năm 2013) lên 84,2% (năm 2018).

Năm 2013, Đại học Huế có 3.426 cán bộ, giảng viên, đến năm 2018 có 3.835 người, tăng 409 người. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có chức danh và trình độ chuyên môn cao tăng nhanh. Năm 2013, có 431 tiến sỹ, 164 giáo sư, phó giáo sư. Năm 2018 có 649 tiến sĩ (tăng 218 người), 15 giáo sư, 252 phó giáo sư…

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, ngành Giáo dục - Đào tạo đã thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo để chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ chính trị. Từ năm 2013 đến nay, ngành Giáo dục - Đào tạo đã tạo điều kiện để 360 cán bộ giáo viên đi học đại học, 83 giáo viên đi học thạc sĩ và 05 người làm nghiên cứu sinh; 90 cán bộ quản lý các bậc mầm non, tiểu học và THCS được bồi dưỡng nghiệp vụ về Quản lý giáo dục; 280 cán bộ quản lý và giáo viên thuộc diện quy hoạch được đi đào tạo Trung cấp lý luận chính trị…

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Toàn.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Các cơ sở giáo dục toàn tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, phát triển toàn diện năng lực người học. Các trường phổ thông đã tập trung vào các yếu tố đổi mới thông qua việc hướng dẫn học sinh tự học; xây dựng các tập thể học sinh tự quản, đổi mới không gian lớp học để hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Giáo viên chuyển từ vai trò người truyền đạt kiến thức sang người tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ hoạt động dựa theo sách giáo khoa và sách giáo viên. Phương châm giáo dục toàn diện cho học sinh là “Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”… Nhờ vậy, đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục của các ngành học, cấp học. Hiện tại có 9/9 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 9/9 huyện đạt chuẩn phổ cấp giáo dục THCS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 95%. Học sinh khá, giỏi của các cấp học, bậc học, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng; nhiều học sinh đỗ thủ khoa, á khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành Giáo dục - Đào tạo nghiêm túc nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, thách thức, như: Việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học còn lúng túng, thiếu đồng bộ; Chương trình đào tạo tuy có đổi mới, nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số tổ chức cơ sở đảng vẫn chưa thực sự chủ động và tích cực một cách thường xuyên; Công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông còn gặp nhiều khó khăn, chưa có các giải pháp mang tính đột phá; Một số ngành đào tạo cao đẳng, đại học vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh…

Đó là những bài toán đang đặt ra và muốn giải quyết nó, cũng như để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đề ra gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, cần sự đoàn kết, năng động, sáng tạo và nỗ lực nhiều hơn từ phía các cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Bích Ngọc

Tin bài liên quan