Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 10:45 20/10/2022

Thừa Thiên Huế: Bảo tồn và phát triển nghề làm nón lá

Nghề làm nón lá là một nghề truyền thống được hình thành từ hàng trăm năm nay ở Thừa Thiên Huế và hình ảnh chiếc nón lá Huế cùng áo dài đã trở thành biểu trưng, logo, hay dấu hiệu nhận diện cho các sản phẩm, địa danh du lịch ở Cố đô Huế. Nón là vật dụng phổ biến dùng để che nắng, che mưa của các bà, các mẹ. Bên cạnh đó, nón lá còn là một món phụ kiện đối với phụ nữ nhờ vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh tao. Hiện nay, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có nghề truyền thống và làng nghề đa dạng, là nơi duy nhất của Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần Festival Nghề truyền thống Huế.


Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án, dự án, chính sách hỗ trợ, như chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, chương trình mỗi xã một sản phẩm, kế hoạch khuyến công địa phương, chương trình phát triển tài sản trí tuệ… đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, xác định các nội dung cụ thể và kế hoạch khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có làng nghề làm nón tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy và Làng nghề truyền thống Nón lá Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành và Hội Nón lá Thừa Thiên Huế, nghề nón lá và một số làng nghề truyền thống ở Huế đã có những chuyển biến khá rõ về sáng tạo mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm nón truyển thống, đã có một số sản phẩm mới như nón lá sen, nón lá bàng, nón trúc chỉ, nón cỏ bàng,… được người dùng đánh giá cao, nhất là các bạn trẻ. Việc kết hợp hội họa trong tạo mẫu nón không chỉ làm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu cho nhiều đối tượng khác nhau mà còn làm gia tăng giá trị nón lá Huế. Một số hoạt động trải nghiệm các công đoạn làm nón lá như: chằm nón, tự vẽ tranh trên nón lá, ủi lá,… đã thu hút lượng khách tham quan, khám phá giá trị văn hóa của làng nghề.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, một số làng nghề truyền thống của không tránh khỏi tác động tiêu cực, đứng trước nguy cơ mai một. Việc sản xuất và kinh doanh nón lá trên địa bàn tỉnh là những hộ nhỏ lẻ, chưa có sự tập hợp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ thành các tổ hợp hoặc hợp tác xã; nón lá được sản xuất thủ công, năng suất thấp nên sản lượng sản phẩm vẫn còn ít và giá thành cao, vì vậy khó cạnh tranh trên thị trường; thiếu vốn đầu tư, thiếu sự gắn kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, giữa các ngành nghề, làng nghề với nhau; công tác quảng bá, giới thiệu cho du khách còn yếu, chưa tạo được ấn tượng mạnh, gây sự chú ý và sức hấp dẫn với du khách... Theo số liệu của  Sở Công thương, toàn tỉnh có hơn 13 làng nghề và hơn 5000 người tham gia chằm nón, trong đó tập trung ở Làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang; làng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền và nghề nón làng Dạ Lê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Qua khảo sát tại làng Mỹ Lam, trước đây có trên 300 hộ chằm nón, nhưng hiện nay còn chưa đến 20 chị và phần lớn là người già, neo đơn, tàn tật; tại xã Phú Hồ trước đây khoảng 800 hộ chằm nón nhưng hiện nay còn khoảng dưới 15 hộ; xã Thủy Thanh trước đây có gần 70% hộ chằm nón nhưng hiện nay còn khoảng 30 hộ.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nón lá Huế” với sự sự tham dự của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu Phát triển du lịch cộng đồng và Thiết kế thời trang, nhà sản xuất, kinh doanh nón lá trên địa bàn nhằm đánh giá thực trạng công tác giữ gìn nghề nón lá; phân tích nguyên nhân hạn chế sự phát triển của ngành nghề nón lá cũng như đề xuất những giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, truyền thông từ nhiều góc độ; đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người làm nón, tiếp thị và tìm kiếm đầu ra.. .để giữ vững thương hiệu nón lá Huế trên thị trường trong và ngoài nước.  

Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đề ra, việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Huế có nghĩa đặc biệt quan trọng. Với quan điểm bảo tồn di sản văn hóa Huế phải gắn với phát triển nghề thủ công truyền thống, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, của du khách trong và ngoài nước; trên tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, việc khảo sát đánh giá, bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã, các làng nghề truyền thống của tỉnh đã được tiến hành và có sự chỉ đạo phù hợp. Trong đó có những nghề, làng nghề truyền thống cần được phát huy, gìn giữ, bảo tồn, như nghề kim hoàn, làm hoa giấy Thanh Tiên, nón lá, áo dài… để bảo tồn, phát triển giá trị làng nghề truyền thống như một nét văn hóa Huế lan tỏa đến mọi người dân trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống cũng sẽ tận dụng mọi tiềm năng để phát triển, tăng cường sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để đẩy mạnh phát triển du lịch, kinh tế, đưa các làng nghề truyền thống trong tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.

 Thu Hà

Tin bài liên quan