Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 08:19 02/11/2018

Tìm hướng đi riêng

Máy chưng cất tinh dầu bằng điện do nguồn vốn KC hỗ trợ một phần kinh phí vừa đưa vào hoạt động

Thông qua các hội chợ thương mại, chương trình xúc tiến sản phẩm địa phương của Sở Công thương và công tác quảng bá tiếp thị của bản thân doanh nghiệp (DN), đến nay sản phẩm tinh dầu Hoa Nén đã có mặt tại 40 tỉnh, thành trong cả nước với trên 300 đại lý, mỗi tháng tiêu thụ trên 200 lít tinh dầu.


Để xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng khi trên thị trường có nhiều sản phẩm tinh dầu, Công ty TNHH MTV Sản xuất tinh dầu Hoa Nén (Công ty Hoa Nén) đã chuyển đổi mô hình sản xuất từ thủ công sang máy móc, tạo sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Là nghề gia truyền tồn tại hàng chục năm nay, năm 2016, ông Lê Xuân Niên, trú tại xã Phong An (Phong Điền) quyết định thành lập Công ty Hoa Nén chuyên sản xuất các loại tinh dầu. Với nhiều chủng loại tinh dầu chưng cất từ nguyên liệu thiên nhiên, như tinh dầu tràm, sả, gừng, nghệ, vỏ bưởi, sản phẩm của DN nhanh chóng tiếp cận thị trường các tỉnh, thành và được người tiêu dùng đón nhận.

Thị trường có, nguồn khách ổn định và nguồn nguyên liệu dồi dào, song thiết bị chưng cất thủ công bằng củi quy mô nhỏ không đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng không ổn định trong khi đầu tư máy chưng cất hiện đại có kinh phí cao nên DN đã lập đề án xin nguồn vốn khuyến công (KC). Qua khảo sát và thẩm định về cơ sở vật chất, đầu năm 2018, Sở Công thương phê duyệt đề án hỗ trợ trang bị máy chưng cất tinh dầu bằng điện với mức hỗ trợ 65 triệu đồng trên tổng kinh phí đầu tư 165 triệu đồng cho công ty với mục đích nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Quản lý Công ty Hoa Nén, ông Nguyễn Dương Vương thông tin, với công suất 250 kg/mẻ, máy có chức năng chưng cất các loại tinh dầu tràm, sả, bưởi… cho năng suất cao gấp 3 lần so với chưng cất thủ công.

Theo ông Vương, sau khi đưa máy chưng cất tinh dầu vào hoạt động, công ty đã xây dựng đề án cải tạo phát triển và vùng nguyên liệu tràm tại xã Phong Hiền với quy mô 5ha tràm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, cung ứng ra thị trường khoảng 300 lít tinh dầu/tháng. Dự kiến đến năm 2020, công ty phát triển lên 50ha tràm nguyên liệu và tiếp tục đầu tư máy móc để mở rộng quy mô sản xuất.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phong Điền, ông Hoàng Bá Nghiễm cho biết, năm 2018, Sở Công thương phê duyệt hỗ trợ vốn KC cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, song do không có vốn đối ứng nên hiện chỉ có một đề án triển khai tại Công ty Hoa Nén. Hiện, máy vừa nghiệm thu và đưa vào hoạt động, giúp DN nâng cao công suất, tiết giảm nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nghiễm, cùng với vốn KC tỉnh, năm 2018, vốn KC huyện đã hỗ trợ cho các DN, cơ sở trên 300 triệu đồng, tập trung các nội dung như tập huấn cho làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, xây dựng đề án phát triển sản phẩm đệm bàng Phò Trạch, hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm làng nghề tại 3 địa phương là thị trấn Phong Điền, Phong An và Phong Hiền.

 

baothuathienhue.vn

Tin bài liên quan