Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 15:10 11/05/2017

Kết quả giải quyết sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế

Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết, khắc phục hậu quả. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là các bộ, ngành, địa phương liên quan trực tiếp, công tác giải quyết, khắc phục sự cố môi trường đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.


         Từ tháng 9/2016 đến nay, kết quả quan trắc chất lượng nước biển do Sở tài nguyên và môi trường 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế thực hiện tại 19 bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh với tần suất 2 tuần/lần cho thấy chất lượng nước biển tại các vị trí nêu trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả đánh giá cho thấy: chất lượng môi trường nước biển,hầu hết các thông số nằm trong giới hạn cho phép, chỉ còn một số khu vực thuộc vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên Huế có giá trị thông số sắt ở tầng đáy vượt ngưỡng cho phép của QCVN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia); các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau sự cố môi trường biển miền trung.
         Về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả, ngày 30/8/2016, Formosa đã hoàn thành thực hiện chuyển tiền bồi thường cho Việt Nam với tổng số tiền là 500.000.000 đô la Mỹ theo đúng cam kết. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Formosa số tiền phạt là 4.485.000.000 đồng và buộc  Formosa phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật. Đến nay, Formosa đã nộp phạt và khắc phục cơ bản các lỗi sai phạm hành chính, nhưng còn 1 lỗi về chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô (đây là lỗi đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường) dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2019; còn 2 lỗi Formosa đã lập hồ sơ nhưng chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và chưa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.  Đối với Công ty Kỳ Anh, bên cạnh các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đã xác định được, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện việc chôn lấp trái phép chất thải nguy hại của Công ty Kỳ Anh có dấu hiệu vi phạm hình sự và đã chuyển hồ sơ vụ việc để Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Thái Lai,  nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).
           Kết quả thực hiện các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất, kinh tế, xã hội của 4 tỉnh miền Trung có nhiều giải pháp kịp thời bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân tổng số tiền Bộ Tài chính đã cấp cho các địa phương 3 đợt là 5.190/5.500 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.560/1590 tỷ đồng, Quảng Bình: 2.360/2.360 tỷ đồng, Quảng Trị: 590/870 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế: 680/680 tỷ đồng). 4 tỉnh đã phê duyệt giá trị kinh phí bồi thường thiệt hại là 4.685,6 tỷ đồng. Trong đó, Thừa Thiên Huế: 678,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/4/2017, 4 tỉnh đã giải ngân được 4.161,1/5.190 tỷ đồng đạt 80,02%, Thừa Thiên Huế: 525,8/680 tỷ đồng đạt 77,33%. Tình hình ổn định và khôi phục sản xuất đến nay, hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống người dân tại 4 tỉnh đã cơ bản ổn định. Người dân tích cực bám biển, từng bước chuyển đổi khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ đạt tỷ lệ 70-80%; tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt 85-90%. Sản lượng khai thác hải sản quý I/2017 đạt 25.386 tấn giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2016 (Hà Tĩnh: 5.689 tấn, giảm 22,6%; Quảng Bình: 8.975 tấn, giảm 1,8%; Quảng Trị: 4.300 tấn, tăng 3,6%; Thừa Thiên Huế: 6.422 tấn, giảm 14,7%), Sản lượng nuôi trồng thủy sản tương đương cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng nuôi của 04 tỉnh trong quý I/2017 là 6.279 tấn, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2016 (Hà Tĩnh: 2.475 tấn giảm 8,8%; Quảng Bình: 1.447 tấn, giảm 4%; Quảng Trị: 1.480 tấn tăng 19%; Thừa Thiên Huế: 877 tấn tăng 6,3%). Hoạt động kinh doanh buôn bán, bản lẻ thủy sản đã hoạt động trở lại. Người tiêu dùng đã tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển nhất là các sản phẩm hải sản mới đánh bắt. Các địa phương đang tích cực tiêu thụ hải sản lưu kho bảo đảm an toàn thực phẩm.
           Để tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan trực tiếp cần thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ: Rà soát, đánh giá đầy đủ các tác động, ảnh hưởng và hậu quả của sự cố môi trường biển; Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đền bù, rà soát bảo đảm đúng đối tượng, dân chủ, công khai, minh bạch, kết hợp với chính sách hỗ trợ ổn định, phát triển sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nhân dân bị thiệt hại; Giám sát chặt chẽ, thường xuyên, lâu dài việc khắc phục các lỗi vi phạm của Formosa đã cam kết và thực hiện quy định, quy chuẩn về môi trường trong suốt thời gian vận hành dự án, nếu vi phạm thì xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật; Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, bộ, ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường; tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với sự cố môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; triển khai rà soát báo cáo đánh giác tác động môi trường của các dự án đã được đầu tư, tập trung vào các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tin bài liên quan