Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 11:08 25/11/2019

Ký kết hợp tác đưa di sản văn hóa Huế vào trường học

Ngày 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giáo dục di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phan Ngọc Thọ


Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình. Cố đô Huế có 05 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa Huế vào trường học sẽ giúp các em học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu từ đó tạo sự hứng thú, yêu thích và trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Theo nội dung ký kết hợp tác thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ hợp tác thực hiện qua các nhiệm vụ như: Biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùn cho học sinh; Xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản Huế; Xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp; Tổ chức các chương trình tìm hiểu di sản dành cho học sinh các cấp thông qua các trải nghiệm thực tế như tham quan, học lịch sử qua các chuyên đề; Tham gia các hoạt động tương tác tại khu di sản Huế;  Tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu di sản Huế...Từ nay đến năm 2022, các đơn vị sẽ triển khai các nội dung hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu, khám phá di sản; Xây dựng bộ tài liệu, các chuyên đề tìm hiểu về di sản văn hóa Huế. Giai đoạn kế tiếp đến năm 2025, các bên sẽ triển khai các bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế và tổ chức các chuyên đề học tập tìm hiểu về di sản văn hóa Huế.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chíChủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan liên quan để khởi động bước đầu việc giáo dục di sản văn hóa cho người dân trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời, nhấn mạnh các lĩnh vực trong dạy và học cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ là: giáo dục đạo đức, nâng cao năng lực học tiếng Anh và giáo dục truyền thống địa phương, mà cụ thể là giáo dục lịch sử, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế cho tất cả học sinh của các cấp học. Việc giáo dục di sản văn hóa cho học sinh các cấp học là một chủ đề vô cùng quan trọng, có tính đặc trưng của ngành giáo dục đào tạo địa phương và cũng là nền tảng, là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển.

Đây cũng là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Bích Ngọc

 

Tin bài liên quan