Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 10:27 27/09/2019

Hội thảo Định hướng công tác tham mưu về lĩnh vực y tế

Ngày 26/9/2019, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Định hướng chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của 18 tỉnh, thành trong cả nước. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Bùi Thanh Hà – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế đã tham dự.


Đồng chí Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được nhiều điểm tích cực, Việt Nam là điểm sáng trong mô hình phòng, chống HIV/AIDS của thế giới. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV hàng năm ở Việt Nam vẫn còn cao (khoảng 10.000 ca/năm), còn khá xa so với mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc để tiến tới chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Trong đó, đáng chú ý là người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh ở nhóm đồng giới nam.

Bà Paula Morgan - Phó giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao việc kiểm soát dịch và giảm kỳ  thị ở Việt Nam. Theo bà, Việt Nam hiện được thế giới ghi nhận về tỷ  lệ ức chế vi rút cao nhất. Những người  sống chung với HIV đang điều trị ARV hiệu quả và mức độ HIV bị ức chế ở mức không thể phát hiện sẽ không lây truyền HIV qua đường tình dục. Có nghĩa, người có HIV, uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tài lượng virus không phát hiện (dưới 200 bản sao/ml)  sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính của họ. Để đạt được mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam cần phải tập trung chiến dịch truyền thông K = K (không phát hiện = không lây nhiễm).

Đồng chí Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, tổng hợp từ  55/63 tỉnh thành, thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, ngân sách giảm từ 8.889 tỷ đồng (năm 2018 so với 2015) và nguồn này được chuyển sang hỗ trợ mua  BHYT, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 562 tỷ đồng. Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 26 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, giảm được 30.826 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 2.900 tỷ đồng/năm. Y tế tư  nhân phát triển nhanh về số lượng và quy mô, đến 2018 đã có 206 bệnh viên, trên 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân.

Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến xoay quanh những đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế, như: vấn đề lạm thu, tăng thu tại các bệnh viện; các giải pháp đối với bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa (Lao, Y học cổ truyền…) để đảm bảo thực hiện tự chủ theo lộ trình; đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với tự chủ tài chính đối với tuyến y tế cơ sở…

Đồng chí Bùi Thanh Hà – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiến nghị đối với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế cần tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe gắn với nâng cao chất lượng bệnh viện, nhất là tuyến y tế cơ sở. Quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển giao kỹ thuật theo Đề án bệnh viện vệ tinh; chú trọng đến công tác y tế dự phòng và việc ban hành các văn bản về bảo hiểm y tế cần có sự thống nhất cao giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh thêm, vấn đề xã hội hóa và tự chủ, là chủ trương của Đảng từ Đại hội XII và thể hiện trong nhiều Nghị quyết. Thời gian qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tăng thu, lạm thu, đẩy vấn đề sang tự chủ quá nhanh, làm khó khăn trong duy trì, phát triển của y tế địa phương… Đồng chí khẳng định, cần hoàn thiện sớm các vấn đề pháp luật, minh bạch hóa quá trình quản lý, mặc dù xã hội hóa, tự chủ nhưng nhà nước vẫn phải đảm bảo tăng đầu tư, cân bằng giữa nhiệm vụ chuyên môn và thu hút tự chủ. Tăng cường chỉ đạo tuyến trên với tuyến dưới, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, để tạo ra sự cân bằng và phát huy tốt hệ thống y tế cơ sở…

Bích Ngọc

Tin bài liên quan