Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 08:03 21/07/2016

Tạo kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu

Hướng dẫn trẻ em học bơi

Phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, giúp họ kỹ năng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh quan tâm.


Trang bị kỹ năng ứng phó

Đối với chị Hồ Thị Vi, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phú Lộc (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) thì cụm từ “ứng phó với BĐKH và phòng chống những rủi ro thiên tai” đã không còn mơ hồ, mà hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày với những diễn biến thời tiết mưa, nắng, bão lũ bất thường, nhất là từ khi Hội LHPN tỉnh phối hợp với tổ chức NCA Thụy Điển triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và nữ tu trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai” trên địa bàn xã.

Trong những buổi sinh hoạt hàng tháng, hàng quý ở chi hội, thông qua các câu lạc bộ “Gia đình bền vững”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”…, những nội dung về phòng chống rủi ro thảm họa thiên tai, ứng phó với BĐKH luôn được chị Vi lồng ghép tuyên truyền cho toàn thể hội viên. Chị Vi phấn khởi: “Bây giờ, chị em trên địa bàn đều biết những việc phải làm trước, trong và sau bão lũ. Từ việc nắm bắt, theo dõi thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm… đều được chị em thuộc lòng. Họ thực hành rất tốt trong các mùa mưa bão nên đã cùng với gia đình, cộng đồng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra”.

Là người dân đầm phá, nhưng chị Nguyễn Thị Bình thôn Quảng Hoà (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) cũng mới biết bơi cách đây gần một năm, nhờ lớp dạy bơi do Hội LHPN tỉnh phối hợp với dự án NCA Thụy Điển triển khai cho phụ nữ và trẻ em gái tại xã. Chị Bình tâm sự: Với suy nghĩ chủ quan đi đâu cũng có ghe, có thuyền nên tôi nghĩ không cần phải biết bơi. Vả lại, lúc nào tôi cũng đi kiếm cá với chồng và cậu con trai nên có chuyện gì thì đã có chồng con giúp. Cuối năm 2015, tham dự lớp tập huấn về vai trò của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH, được các chuyên gia phân tích sự nguy hiểm có thể khiến mình thiệt mạng nếu không có kỹ năng bơi lội tôi mới vỡ lẽ. Khi dự án mở lớp dạy bơi, tôi và con gái liền đăng ký tham gia. Hiện nay, mẹ con tôi đã bơi thành thạo”. Không chỉ biết bơi, nhiều phụ nữ Quảng Thành còn biết cách sơ cấp cứu tại chỗ.

Theo chị Nguyễn Thị Linh Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Chương: “Nâng cao nhận thức cho chị em nói riêng và người dân nói chung trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai luôn được chính quyền địa phương cũng như Hội LHPN xã chú trọng. Hiện nay, chị em đã cảnh giác, chủ động hơn với sự thay đổi của thời tiết, thích ứng với BĐKH, tham gia hiệu quả vào việc giảm nhẹ các rủi ro thiên tai”.

Sản xuất theo hướng bền vững

Chị Nguyễn Thị Lý ở thôn Nghi Giang, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc cho biết, trước đây, chị chăn nuôi theo quán tính nên vào thời điểm mưa bão từng bị lũ cuốn trôi heo, gà do không di chuyển vật nuôi kịp thời. Từ khi được hướng dẫn chăn nuôi thích ứng với BĐKH, chị luôn canh thời gian, cứ khoảng đến tháng 8, tháng 9 là cho xuất chuồng toàn bộ heo, gà, vịt, đồng thời hạn chế thả giống trong thời gian này. Còn với chị Nguyễn Thị Gái ở thôn Vi Giang, sau khi được hỗ trợ giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chị đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng sắn, ngô sang trồng ném để phù hợp với chất đất, qua đó đã cho chị thu nhập khá hơn trước. Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Vinh Giang cho biết, kết quả này có được là nhờ Hội LHPN tỉnh phối hợp với dự án “Phát triển địa phương thích ứng với BĐKH” của Luxembourg tập huấn, hướng dẫn giúp các chị biết được điều kiện gia đình họ nên trồng cây gì, nuôi con gì vào thời điểm nào cho phù hợp để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão.

 Hàng trăm hội viên phụ nữ ở các địa bàn thấp trũng, địa bàn đầm phá thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như các xã: Lộc Vĩnh, Lộc Bình (huyện Phú Lộc), Quảng Thành, Quảng Phước (huyện Quảng Điền), Vinh Thái, Phú Mỹ (huyện Phú Vang)... cũng được tập huấn sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường với nhiều mô hình như chăn nuôi gà bằng đệm lót sinh học, sản xuất rau an toàn, trồng gừng trong bao.

Chị Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ các dự án nước ngoài, đồng thời tích cực lồng ghép tuyên truyền cũng như có những hình thức hỗ trợ phù hợp để góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Qua đó, hội đã giúp nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế nâng cao kỹ năng ứng phó trước, trong và sau khi bão đến để đảm bảo tốt nhất tính mạng, tài sản, sức khỏe của mình, gia đình và cả cộng đồng. Thời gian tới hội tiếp tục nhân rộng các mô hình hay trên địa bàn toàn tỉnh.

http://baothuathienhue.vn/

Tin bài liên quan