Công tác Khoa giáo

Cập nhật lúc : 09:28 12/05/2016

“Dai dẳng” thực phẩm không an toàn trước trường học

Một phụ huynh mua thức ăn bày bán bên lề đường, trước cổng trường cho con.

Những loại đồ ăn thức uống không rõ xuất xứ, nguồn gốc, “tắm” chất tẩm ướp, không hạn sử dụng dù đã được cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay vẫn “dai dẳng” trước cổng, bên ngoài nhiều trường học, gây mất an toàn cho khách hàng học sinh, gây nguy hiểm lâu dài đến sức khỏe của các cháu.


Đáng sợ

10 giờ 20 phút ngày 6/5, chưa đến giờ tan học nhưng bên ngoài hàng rào (phía trước) Trường tiểu học Vĩnh Ninh (phường Vĩnh Ninh, TP. Huế), những người bán hàng rong đã bày biện sẵn vô số loại đồ ăn thức uống như nêu trên, đợi các khách hàng “nhí”. Trong vai phụ huynh mua hàng cho con, muốn tìm hiểu nguồn gốc để yên tâm, chúng tôi được người bán liên tục bảo “có chi không yên tâm, cứ yên tâm mà mua”. Những miếng da heo tẩm phẩm màu chiên; bột mì tẩm phẩm màu nặn thành hình thịt viên, đem chiên lên rồi xâu lại “mô phỏng” xiên thịt nướng. Một số sản phẩm khác nguyên liệu cũng bằng bột mì, cũng tẩm ướp phẩm màu, nặn hình dáng như mì sợi hoặc sợi phở. Tất cả đều chiên giòn, đóng sơ sài trong ly nhựa, loại nhựa rẻ tiền dễ móp méo, trông nhếch nhác. Những chiếc ly đó cũng là dụng cụ đựng hỗn hợp đồ uống trộn bởi loại thạch đủ màu sắc (trong các thẩu nhựa) và thứ xi rô màu xanh, vàng...(trong các chai nhựa).

Giá của mỗi món từ 1 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng. Dĩ nhiên, chẳng thể có thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng. Chẳng thể biết thứ da heo kia là nguyên liệu sạch hay thực phẩm bẩn được “tẩy” cho “sạch” trước khi tẩm ướp, chiên giòn. Cũng không thể biết mỡ (dầu) dùng để chiên các món trên là mỡ (dầu) sạch hay là loại mỡ bẩn, thối như báo chí liên tục phản ánh? Thạch, xi rô “màu mè” đó được tạo ra bởi chất hóa học độc hại gì? Và rất nhiều đồ ăn thức uống khác hoàn toàn “mù mịt” về xuất xứ nguyên liệu, nguồn gốc sản xuất, bao bì nhếch nhác.

Trên những xe hàng rong bên ngoài phía trước Trường tiểu học Quang Trung (phường Phú Nhuận, TP. Huế) “loạn” những món đồ ăn thức uống đáng lo ngại về an toàn vệ sinh. Chúng tôi phân bua với người bán, đứa con nhỏ thích ăn mấy thứ này quá, nhưng vì ngại không an toàn nên phải hỏi thật kỹ. Thấy tôi định lấy loại xi rô (đựng trong chai nhựa màu mè, phía ngoài in dày đặc chữ nước ngoài, có giá 1 nghìn đồng) chị hàng ngăn lại bảo “đừng” rồi khuyên nên lấy loại khác. Đặt câu hỏi, vì sao biết thức uống đó không an toàn mà vẫn bày bán cho các cháu học sinh, người bán hàng không một chút đắn đo, giải thích: “Cứ bọn nhỏ thích ăn là...bán. Ai “kỹ” quá mới khuyên đừng (mua)”. Đến thêm một số trường trên địa bàn thành phố thực trạng hàng rong không đảm bảo vệ sinh, bày bán để “phục vụ” học sinh vẫn dai dẳng.  

Người lo lắng, kẻ “vô tư”

Chị bán hàng vừa “lựa hàng” giúp chúng tôi vừa tất bật chạy lui chạy tới phục vụ mấy khách “nhí”. Nhiều học sinh đã hết tiết học (đang chờ cha mẹ đón) xúm đến, mua da heo chiên, “que thần kỳ”, xi rô... Có cháu đứng phía trong khuôn viên trường, sau hàng rào, thò tay đưa tờ 2 nghìn đồng mua... mực rim. Chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” thắc mắc với số tiền ít ỏi ấy làm sao có thể mua được món hàng khá “cao cấp”? Chị bán hàng: “Mua bao nhiêu cũng bán được. Mực ở đây bán là đảm bảo chứ “ra ngoài” dễ sợ lắm”. Chúng tôi hỏi chị có tự tay làm không, sao biết đảm bảo. Người bán hàng không trả lời.

Quá trình chúng tôi đi thực tế, rất nhiều phụ huynh (đang chờ đón con) than thở, họ vô cùng lo lắng về những thực phẩm độc hại bày bán bên ngoài cổng trường. Chị Oanh (phường Thủy Xuân) ngao ngán: “Giống hệt nhiều cháu nhỏ khác, con gái tôi rất thích mấy thứ đồ ăn đồ uống màu mè kia. Cháu thường đòi mẹ mua nhưng tôi không nhất quyết nói không. Nhưng đôi khi cháu dỗi, mè nheo quá, chồng tôi lại nhượng bộ”. Chị Hà (phường An Cựu) thì tâm sự: “Tôi không mua, cũng dặn dò con không được ăn uống mấy thứ hàng quà đó. Thậm chí vợ chồng tôi áp dụng biện pháp “triệt để” là không cho cháu tiền tiêu vặt khi đến trường. Nhưng có lần đón con, tôi tình cờ thấy cháu đang được bạn mời uống chung chai xi rô. Con mình “ăn ké” của bạn hoài cũng kỳ. Thôi thì...”. Ngay lúc đó, một phụ huynh vừa đón con xong, dừng xe máy trước “hàng” kem. Em học sinh vừa ngồi sau lưng ba (chạy xe) vừa ăn kem trong làn khói xe, bụi đường. Tương tự, không ít vị phụ huynh khác cũng “vô tư” mua cho con những món hàng không đảm bảo vệ sinh, an toàn bày bán trước cổng trường.  

Khi chúng tôi mang các loại đồ ăn thức uống tẩm ướp hóa chất, phẩm màu đựng trong những chiếc ly, bì nhựa nhếch nhác vừa mua về, không ít người tròn mắt thốt lên hỏi “thứ gì “kinh dị” vậy”? Ấy thế mà, những thứ “kinh dị” đó hầu như ngày nào cũng...vào bụng không ít các em nhỏ. Có thể những thức ăn đó không gây ngộ độc tức thì, nhưng độc hại từ phẩm màu, hóa chất, nguyên liệu bẩn...sẽ gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm về sau, ảnh hưởng sức khỏe không chỉ cá nhân các em mà cả một thế hệ. 

http://baothuathienhue.vn/

Tin bài liên quan