- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Chuyên đề » Nghiên cứu - Trao đổi
Đức - tài, sức nặng như nhau?

“Tài” và “đức” là 2 tố chất hết sức cần thiết và quan trọng nơi mỗi con người. Thiếu một trong hai đều là khó khi xuất xử với đời. Còn đã không tài lại thêm kém đức thì chẳng còn gì để bàn.
Sinh thời Hồ Chủ tịch từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thoạt nghe, cứ nghĩ đức-tài là cân bằng, nhưng ngẫm lại, thấy Bác tuy đề cập đến chữ tài trước, nhưng lại muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ đức. Rất rõ, không có tài, nhưng nếu có đức thì làm việc gì cũng khó. Khó đây là khó đạt yêu cầu, khó đạt chất lượng, thời gian như mong muốn, chứ chắc là không gây tai tiếng, không gây tổn hại cho quốc gia, cho sự nghiệp cách mạng…
Ngược lại, có tài mà vô đức thì dễ sinh tự cao tự đắc, cho mình luôn đứng trên thiên hạ, làm gì cũng đúng, cũng thành nên chẳng cần lắng nghe, chẳng cần suy xét. Thậm chí còn đem cái tài ấy mà phục vụ mưu đồ, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm… Người như thế thì chẳng ích lợi gì cho sự nghiệp chung mà có khi còn gây hại. Cho nên Bác mới nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Vô dụng nếu chiết tự nữa thì có thể hiểu là không nên, không dùng được vào việc gì cả. Đức-tài đều quý, nhưng sức nặng, giá trị của mỗi chữ ngẫm ra khác nhau nhiều lắm.
Thời vua Lê Thánh Tông, những người đức hạnh kém sẽ không có cơ hội được ghi tên bảng vàng bia đá
Cũng xung quanh chuyện đức và tài, lần giở sách vở, thấy đây cũng là câu chuyện được người xưa rất quan tâm. Đặc biệt, dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442 –1497), vị hoàng đế thứ 5 của triều Hậu Lê nổi tiếng anh minh, chữ “đức” còn được đặt ra một cách hết sức khắt khe. Nó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ ai muốn đi thi để mong lập thân, để mong bước chân vào quan trường. Thế nhưng, nếu là người đức hạnh yếu kém thì sẽ bị loại từ đầu, không được ứng thí. Quan chức địa phương phải cam kết và chịu trách nhiệm trước nhà vua về đức hạnh của thí sinh thuộc địa bàn quản lý. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng 4 (Nhâm ngọ 1462), định lệ bảo kết thi Hương. Chỉ huy cho học trò trong nước đi thi rằng: “Không cứ là quân dân sắc mục, hạn đến thượng tuần tháng 8 năm nay phải đến nhà giám đạo hay sở tại khai tên và căn cước, đợi thi Hương; đỗ thì gửi danh sách đến viện Lễ nghi, đến trung tuần tháng Giêng sang năm vào thi Hội. Cho quan bản quản và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy thực sự có đức hạnh thì mới được kê sổ đi thi. Người nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa v.v... thì tuy có học vấn, giỏi văn bài, cũng không cho vào thi”. Phép thi như sau: Người được cử đi thi phải khai rõ căn cước, phủ huyện xã, tuổi, cùng là chuyên trị kinh nào, căn cước của ông cha, không được gian dối giả mạo; ...những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ thì trị tội theo luật...”.
Đoạn sử ký chép rất rõ, ai đọc cũng có thể hiểu, không cần phải giảng giải dài dòng. Chỉ xin nhắc thêm rằng, thuở xưa, đi thi gần như là con đường duy nhất để người đàn ông tìm cơ hội bước vào quan trường, khẳng định bản thân, lưu danh sử sách và vinh danh dòng tộc… Nhiều người từ tuổi thiếu niên cho đến lúc râu dài tóc bạc vẫn còn đeo nghiệp lều chõng là vì vậy; không hiếm trường hợp cả cha và con, cả thầy và trò ứng thí trong cùng một khoa thi là vì thế...
Trong bối cảnh ấy, việc bị truất quyền thi cử cũng đồng nghĩa tương lai, tiền đồ không chỉ của bản thân mà kể cả của con cháu xem như vĩnh viễn bị đóng sập cửa. Vậy nên, muốn được đi thi, muốn có cơ hội đặt chân vào đường hoạn lộ để “có danh gì với núi sông” thì việc trước tiên chưa phải là học mà là phải tu tâm dưỡng tính, lo rèn giũa đạo đức.
Xem thế để thấy, sự nhìn nhận về chữ đức xưa nay đều nhất quán. Đức phải làm nền cho tài thi triển thì mới mang lại hữu ích lợi lạc cho quốc gia, xã hội. Người vô đức thì dù có tài bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là kẻ vị kỷ, tự đắc, ngạo mạn, có khi còn gây hại cho sự nghiệp chung, cho nên bị xem là người vô dụng, hoặc như thời Lê Thánh Tông, bị loại bỏ khỏi guồng máy ngay từ đầu.
Theo baothuathienhue.vn
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản