Chuyên đề  » Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc : 14:39 06/02/2015

Tình cảm đối với giai cấp nông dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958 - Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ đã đi xa 45 năm, song giá trị tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống mãi với non sông, đất nước và trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, tư tưởng, tình cảm đối với giai cấp nông dân, đối với nền nông nghiệp nước nhà là một phần tư tưởng lớn bậc nhất của Bác: Vì con người.


Trước khi đi xa, Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng chí, đồng bào cả nước. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Bản Di chúc được Người viết, bổ sung, sửa chữa nhiều lần, lần nào cũng có những dòng, những đoạn dành cho nông dân. Trong phần bổ sung Di chúc viết tháng 05-1968, Bác dành một đoạn nói về giai cấp nông dân Việt Nam, lực lượng cách mạng đông đảo nhất. Bác đã dành cho nông dân tình cảm gần gũi, thân thiết khi dùng cụm từ “đồng bào nông dân” để tuyên dương công lao to lớn và lòng trung thành vô hạn của họ đối với Đảng và Chính phủ trong hai cuộc kháng chiến. Căn dặn miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, Bác viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Khi ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Phát huy tinh thần “khoan thư sức dân”, Bác đã chăm lo sâu xa đến kế sách an dân “sâu rễ bền gốc” mà ông cha ta đã áp dụng cả ngàn năm trước. Đó là, sau chiến tranh phải chú ý chính sách vỗ về, an dân để nông dân từng đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến, chịu nhiều thiệt thòi, mất mát trong chiến tranh có cơ hội xóa đói, giảm nghèo mà thêm hoan hỉ, phấn khởi, tin tưởng, trung thành với chế độ.
 Thực hiện theo Di chúc của Người, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 7 đã ra Nghị quyết “Thực hiện miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Miễn giảm thuế nông nghiệp tiến tới hạn chế và xoá bỏ dần những đóng góp ở khu vực nông thôn để người nông dân có điều kiện tái đầu tư sản xuất chính là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thực hiện theo đúng tinh thần và mong muốn của Bác.
 Thực hiện Di chúc của Bác, ngày 5-8-2008, Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, đã xác định rõ “Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”. Theo đó, một loạt vấn đề về nông nghiệp-nông thôn-nông dân trở thành những vấn đề được cả nước quan tâm.
Đặc biệt hơn 3 năm qua, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng phát động đã tác động đến sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hệ thống thông tin tuyên truyền về nông thôn mới hoạt động phong phú, liên tục đã động viên tích cực, kịp thời đến phong trào xây dựng nông thôn mới...
Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Sau hơn 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã, đang và sẽ nỗ lực không ngừng để nông thôn Việt Nam ngày càng có diện mạo mới, làm cho nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc vẫn đang tiếp tục soi sáng trên mỗi bước đường đi lên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta để vươn tới điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao: “Người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm”.
 
Phan Công Tuyên
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy TT Huế
Tin bài liên quan