Chuyên đề  » Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc : 09:27 21/08/2020

HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Công tác tuyên truyền là một bộ phận của công tác tư tưởng, đóng vai trò, vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Xuyên suốt hành trình “dẫn đường, chỉ lối” cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng dành nhiều công sức, tâm huyết, chú trọng đến công tác tuyên truyền cách mạng, giáo dục và vận động quần chúng. Người xác định rõ đây là công việc quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cách mạng, định hướng hoạt động đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền không những góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh mà còn xem đó là yếu tố tạo nên lực lượng to lớn của cách mạng.


Trong suốt hành trình hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, hết lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Bởi tự thân công tác tư tưởng vốn đã hàm chứa những vấn đề đa chiều, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và hơn hết là liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Theo quan điểm của Người: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm” [1, 319] và “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất” [1, 319].

 

“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền” - Đó là lời dạy và cũng có thể xem là định nghĩa về tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trích trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26/6 đến 9/7/1947. Công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là giáo dục tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, phục vụ lợi ích của giai cấp và dân tộc. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục muốn hiệu quả thì phải phân tích, làm sáng tỏ cơ sở khoa học, căn cứ lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông qua đó cung cấp cho đối tượng một thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn và những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết hướng dẫn cho hành động cải tạo hiện thực, giải quyết những mâu thuẫn, những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra. Song song với đó là giúp cho đối tượng có được lập trường vững vàng, vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm chống lại những thủ đoạn tinh vi, âm mưu hiểm độc của các thế lực thù địch đang hòng tìm đủ mọi cách bác bỏ, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt:

 

  • Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về mục đích tuyên truyền, đó là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại” [2, 162] và mục đích của tuyên truyền là giải thích lập luận, chứng minh để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo” [2, 162]. Bên cạnh đó, để tuyên truyền giáo dục có hiệu quả những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền cũng cần phải nghiên cứu, nắm chắc về đối tượng tuyên truyền. Bởi lẽ, “người tuyên truyền không tìm hiểu, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”, tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền, mỗi đối tượng có một cách tuyên truyền khác nhau theo những tiêu chí khác nhau ví dụ như về độ tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần nghề nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu”, mỗi đối tượng một đặc trưng riêng. Cho nên, tuyên truyền đối tượng nào thì người làm công tác dân vận, công tác tuyên truyền phải hiểu về đối tượng đó như: phải nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với bộ phận dân đó như thế nào? Cách thức tuyên truyền ra làm sao?
  • Thứ hai là cần có phương pháp tuyên truyền phù hợp: Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, sâu sắc, thiết thực, cụ thể (“Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt… Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn” [1, 299]); Hình thức tuyên truyền diễn đạt dễ hiểu, dễ thực hiện (“Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được” [1, 162]); Nội dung, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng (“bởi vì đời sống, trình độ đồng bào … khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác nhau” [3, 128], “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem” [1, 300]). Phương pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra về công tác tuyên truyền là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, là bài học vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn cả về thực tiễn và lý luận.
  • Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cán bộ được xem là khâu quyết định thành công trong công tác tuyên truyền. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Trong hành trình dẫn lối cho cách mạng nước nhà, Người luôn căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và long nhiệt huyết cách mạng, dùng chính lý tưởng cao đẹp ấy làm ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm, sao cho không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sứ mệnh... Bác đã từng nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm” [3, 128].

Cả ba mặt luôn luôn có sự thống nhất, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, nhận thức về mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp hoạt động tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể. Chính vì vậy mà người tuyên truyền luôn được xem là yếu tố đóng vai trò mang ý nghĩa quyết định.

 

Không thể phủ nhận rằng, bên cạnh việc đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương mẫu mực về phong cách thực hiện công tác tuyên truyền của Đảng ta. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, công tác tuyên tuyền, giáo dục đóng một vai trò rất lớn. Để phát huy và thực hiện tốt công tác tuyên truyền và giáo dục, chúng ta cần quán triệt tư tưởng, tự thân mỗi chúng ta cần thấm nhuần và không ngừng rèn luyện, thực hiện tốt những nội dung phương pháp tuyên truyền, vận động theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, xác định rõ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, xem đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.

 

* Tài liệu tam khảo:

[1] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 7), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Năm 2000.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Năm 2000.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, Năm 2002.

 

PHƯỚC LINH

 

 

 

Tin bài liên quan