Chuyên đề  » Đưa Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Cập nhật lúc : 10:48 15/05/2017

Tình hình tổ chức thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư (khóa IX) tại Đảng bộ thị xã Hương Trà

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và Chỉ thị 06-CT/TU của Tỉnh ủy; việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ thị xã Hương Trà và của 16 xã, phường đã có những bước chuyển biến tích cực.


Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Chỉ thị 06 của Tỉnh ủy đến các tổ chức cơ sở đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, đã chỉ đạo trực tiếp đối với các tổ chức cơ sở đảng thông qua các hội nghị cán bộ chủ chốt của thị xã; nhất là công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của các địa phương trên địa bàn toàn thị xã. Việc biên soạn lịch sử Đảng bộ thị xã và lịch sử Đảng bộ các xã, phường được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XI, XII và XIII.

Thị xã đã biên soạn và phát hành cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện (nay là thị xã) giai đoạn 1937 - 1975 (năm 1998 - trước khi có Chỉ thị 15) và cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1975 - 2005 (năm 2010), tổ chức tuyên truyền lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1937 - 1975 (đã được biên soạn và phát hành năm 1998) trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và trong các trường học trên địa bàn; tổ chức thi tìm hiểu về Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1937 - 1975 trong toàn Đảng bộ.

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và giúp đỡ các xã, phường đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ biên soạn lịch sử đảng bộ các địa phương. Xây dựng hệ thống các bước, quy trình biên soạn, mẫu hóa các văn bản liên quan như: kế hoạch, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên soạn, hợp đồng biên soạn... Chỉ đạo việc biên soạn và đã phát hành cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân thị xã (1945 - 2010) vào năm 2014. Các Đảng ủy đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lịch sử đảng bộ địa phương đối với công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; do đó 16/16 xã, phường đều xác định mục tiêu biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ mình. Đến nay, 02/16 xã, phường đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản (Đảng bộ phường Tứ Hạ và Đảng bộ phường Hương Hồ); Đảng bộ xã Hương Vinh đã phát hành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930 - 2000 và đã có kế hoạch tiếp tục biên soạn giai đoạn tiếp theo; các Đảng bộ còn lại đã xây dựng kế hoạch và đang trong quá trình thực hiện, trong đó có 03 Đảng bộ đã tổ chức Hội thảo lần 1 (Hương Văn, Hương Xuân, Hương Thọ), 03 Đảng bộ đã tổ chức Hội thảo lần 3 (Hương Phong, Hải Dương, Hương Chữ), 02 Đảng bộ đã hoàn thành bản dự thảo lần 1 nhưng chưa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến (Hương An, Hương Vân), 03 Đảng bộ đang xúc tiến ký kết hợp đồng biên soạn với các chủ biên (Bình Điền, Hương Bình, Bình Thành) và Đảng bộ xã Hồng Tiến đang xây dựng kế hoạch biên soạn lịch sử Đảng bộ xã.

Cùng với việc biên soạn, phát hành các đầu sách, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cũng được Ban Thường vụ và các cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo với nhiều hình thức như: tuyên truyền các sự kiện lịch sử trên hệ thống đài truyền thanh thị xã và cơ sở; qua sinh hoạt chi bộ, hội, đoàn thể; đưa vào nội dung chương trình các lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã, chương trình bồi dưỡng chính trị đầu năm học cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền lịch sử thông qua các hoạt động ngoại khóa của các trường học; tuyên truyền lịch sử địa phương thông qua kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, thị xã.... Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đã góp phần quan trọng làm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn mới. Các công trình đã thực hiện trong toàn Đảng bộ thị xã như Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1937 - 1975, Lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1975 - 2005, Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân thị xã (1945 - 2010), Lịch sử Đảng bộ phường Tứ Hạ (1930 - 2015), Lịch sử Đảng bộ phường Hương Hồ (1930 - 2015) đã đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục, phản ánh trung thực các sự kiện lịch sử, trong đó nội dung về lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng được đề cập đậm nét.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ trên địa bàn thị xã đã có những bước chuyển biến rõ nét. Công tác biên soạn, phát hành lịch sử Đảng đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

http://tinhuytthue.vn/

Tin bài liên quan