898
+ aa -

Hoạt động cấp ủy

Cập nhật lúc : 03/11/2014 08:55
Xây dựng Nông thôn mới ở Phú Lộc
Trong những năm qua, Phòng Nông nghiệp – PTNT và Hội Nông dân huyện Phú Lộc đã có nhiều hoạt động phối hợp tích cực, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc tham mưu các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nhân rộng một số mô hình, áp dụng tiến bộ KHKT về nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, góp phần từng bước làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên các lĩnh vực.

Huyện quy hoạch ổn định được 1.100ha để tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất; 80ha đủ điều kiện sản xuất giống tại chỗ; giống xác nhận đưa vào sản xuất hàng năm đạt tỷ lệ 95%. Nhờ vậy, sản lượng và năng suất lúa các năm qua đều tăng, năm 2014 năng suất đạt 57,9 tạ/ha, tăng 4,9 tạ/ha so với năm 2010. Từng bước chuyển đổi và đưa vào sản xuất những giống cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao như dưa hấu An Tiêm, giống lúa chất lượng cao (XT27, HN6, HT1, BT7); một số cây khác như cao su, tiêu, thanh trà, tre lấy măng các năm qua đã khẳng định có hiệu quả. Chăn nuôi tiếp tục phát triển về cả về chất lượng và giá trị, đàn gia súc, gia cầm phát triển theo hướng tập trung; tiến hành quy hoạch và xây dựng được 01 chợ mua bán gia cầm ở Lộc An; 04 điểm giết mổ tập trung Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Tiến, Vinh Hưng. Công tác phòng chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm được triển khai tích cực nên không có dịch bệnh xảy ra, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Thủy sản đưa vào nuôi được 1.208 ha, trong đó, nuôi xen ghép các đối tượng cua cá nước lợ 908 ha, nuôi nước ngọt 300 ha; sản lượng nuôi 2.636 tấn, tăng 1.566 tấn so năm 2010; lãi bình quân từ 20-40 triệu đồng/ha. Về khai thác biển, từ năm 2012 đến nay, nhân dân đầu tư đóng mới 3 chiếc tàu xa bờ, cải hoán nâng công suất 6 tàu, đăng ký hoạt động khai thác biển xa 21 tàu; thực hiện cải tiến ngư lưới cụ truyền thống, phát triển ngành nghề mới; đầu tư thêm ngư lưới cụ, có ít nhất 2 nghề trang bị trên 1 đơn vị tàu, nhằm khai thác theo mùa vụ quanh năm, vươn khơi mở rộng ngư trường để nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Trồng rừng nguyên liệu diện tích sản xuất là 17.000 ha, hàng năm đưa vào khai thác từ 3.400 - 3.500 ha; trình độ ứng dụng kỹ thuật vào trồng rừng nguyên liệu được nâng cao như sử dụng giống keo lai, đào hố, bón phân, chăm sóc theo đúng quy trình.

Về quan hệ sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện đã phối hợp, hướng dẫn chỉ đạo các HTX đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hỗ trợ cho nông dân nhiều khâu dịch vụ quan trọng, thiết yếu để phát triển kinh tế hộ. Đến nay, toàn huyện có 20 HTX đảm nhiệm dịch vụ làm đất, 32 HTX làm dịch vụ thuỷ lợi, 19 HTX tổ chức sản xuất giống, 32 HTX dịch vụ BVTV, 18 HTX dich vụ thu hoạch, 2 HTX dịch vụ nước sinh hoạt, 3 HTX dịch vụ du lịch sinh thái, 3 HTX làm tín dụng nội bộ, 12 HTX quản lý, bảo vệ, dịch vụ và tổ chức sản xuất rừng trồng nguyên liệu.

Về cơ giới hóa trong nông nghiệp, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và các chính sách hỗ trợ cho trồng lúa, sản xuất lúa ngày càng được công nghiệp hóa, giải quyết được sức lao động cho nông dân, nâng cao hiệu quả cho đầu tư phát triển đến nay đã có 300 máy làm đất, đảm nhiệm 80% diện tích; 17 máy gặt đập liên hợp, 10 máy gặt rải hàng, đảm nhận khâu thu hoạch bằng máy khoảng 70% diện tích, 11 trạm bơm điện, 60 máy bơm các loại chủ động tưới tiêu 70% diện tích.

Trong công tác tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện cuộc phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, trên lĩnh vực nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chức năng, thiết lập nhiều mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập như nuôi gà theo mô hình gia trại, phát triển sản xuất tiêu hàng hóa, nuôi thủy sản xen ghép, mô hình cánh đồng mẫu,… đã góp phần chuyển giao kỹ thuật, mở rộng sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân góp phần huy động thực hiện cơ chế đặc thù, góp công, tiền để xây dựng được gần 26 km đường thôn, xóm; 2,6km đường nội đồng, 12 km kênh mương; chỉnh trang nhà cửa, tường rào; đến nay đã có 02 xã đạt 17 tiêu chí (Lộc Bổn, Lộc Điền), 1 xã đạt 16 tiêu chí (Vinh Hưng), 01 xã đạt 15 tiêu chí (Vinh Hiền), 3 xã đạt 14 tiêu chí (Lộc An, Lộc Hòa, Lộc Trì), 3 xã đạt 13 tiêu chí (Lộc Bình, Vinh Giang, Vinh Mỹ), 2 xã đạt 11 tiêu chí (Xuân Lộc, Vinh Hải). Phấn đấu năm 2015 có 3 xã: Lộc Bổn, Lộc Điền, Vinh Hưng hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Để nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiệu quả, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trong thời gian đến trên địa bàn huyện Phú Lộc, vấn đề tiếp tục đặt ra là cần tập trung thực hiện một số giải pháp đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến với các cấp Hội, để hội viên nắm bắt, yên tâm đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất; vận động nông dân đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp đã được tổng kết có hiệu quả; huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển; từng bước phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm gia tăng giá trị sản xuất; chuyển giao và áp dụng các tiến bộ KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ... phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thành công chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Vũ Anh