Theo thống kê, hiện đàn gia súc, gia cầm của Quảng Điền giữ quy mô ổn định với 28.300 nghìn con trâu bò, lợn và hơn 30.000 con gia cầm. Tuy nhiên đến nay, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, đây là một trong những yếu tố nguy cơ bởi tỷ lệ tiêm phòng không cao, nếu dịch bệnh phát ra sẽ rất dễ lây lan và khó dập dịch. Hơn nữa, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng bất lợi đến sức khoẻ đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi đang nhập con giống để tái đàn dẫn đến nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch , tai xanh ở lợn, lở mồm, long móng ở trâu, bò có khả năng phát sinh, lây lan cao.
Tại địa bàn xã Quảng Thái - một xã có thế mạnh chăn nuôi gia súc của huyện, trong những ngày này, người chăn nuôi gia súc gia cầm đang tích cực thiện hiện các biện pháp phòng bệnh. Anh Hồ Xuân Tính ở thôn Trung Kiều, xã Quảng Thái có trại chăn nuôi trên 100 con lợn. Để đàn vật nuôi ổn định, anh luôn vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn và tăng cường khẩu phần ăn giàu chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho lợn. Anh cho biết, chỉ có cách phòng chống ngay từ ban đầu thì mới hiệu quả, trong các khâu phòng bệnh thì chú ý nhất là vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và tiêm văcxin cho lợn.
Phún hoa chất tiêu độc tại gia trại chị Nguyễn Thị Hương xã Quảng Thành
Điều đáng ghi nhận là hiện nay, đại bộ phận người chăn nuôi ở xã Quảng Thái đã ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng. Do đó, bà con luôn sẵn sàng phối hợp để tiêm phòng và tăng cường thực hiện các biện pháp chống dịch đã được ngành thú y hướng dẫn. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp Trạm thú y huyện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ông Phan Nông – Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết: Với quyết tâm không để dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh ở gia súc bùng phát trên địa bàn, UBND xã đã phối hợp trạm Thú Y huyện triển khai tiêm văcxin phòng chống dịch bệnh. Theo đó, đã tiến hành tiêm 450 liều văcxin OA cho trâu, bò và 550 liều vắcxin type O tiêm phòng cho lợn nái và lợn đực giống đạt tỷ lệ 100%.
Cùng với Quảng Thái, các địa phương có thế mạnh chăn nuôi như Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước và thị trấn Sịa cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng bệnh ở gia súc.
Tại gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Tây Thành, xã Quảng Thành, gia đình chị đã đích thân lên tận Trạm Thú Y huyện mua 30 liều văcxin type O để tiêm phòng cho lợn nái và lợn thịt. Tâm sự với chúng tôi, chị Hường cho biết, khi chỉ năm nay mà hàng năm vào thời điểm này, gia đình rất lo dịch bệnh tại xanh bùng phát trở lại. Nhớ trận đại dịch tại xanh năm 2008 đã cướp đi đàn lợn nái 30 con và đàn lợn thịt 100 con. Cho nên từ đó đến nay, năm nào gia đình cùng phải chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng cho 7.600 con trâu bò, lợn nái và lợn đực giống, đạt tỷ lệ trên 80% trong diện bắt buộc tiêm. Trong đó, nhiều xã đã tổ chức tiêm phòng xong cho đàn gia súc là các Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng An, Quảng Phước và thị trấn Sịa. Ông Phan Văn Tuyến - Trưởng Trạm thú y huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã thường xuyên, định kỳ làm tốt công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chuồng trại chăn nuôi, nơi có nguy cơ phát dịch cao và ổ dịch cũ. Ngoài ra, Trạm Thú y huyện cũng đã phối hợp với các ban, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tính chất lây truyền và tác hại của dịch LMLM trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi nhận biết dịch từ đó chủ động phòng chống; các cơ quan chuyên môn phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, cách phát hiện và hạn chế lây lan phát sinh dịch; duy trì tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn và các chốt kiểm dịch tạm thời; không nhập gia súc, gia cầm từ các tỉnh đang có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh; các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa bàn để phát hiện dịch bệnh nhằm chủ động phòng, chống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM cũng gặp những khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đặc biệt là dịch LMLM tuýp A, O... vẫn liên tiếp xảy ra ở một số khu vực. Hơn nữa, chương trình chỉ tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò, lợn nái và lợn đực giống là chủ yếu, đối với lợn thịt, các nông hộ chăn nuôi phải tự túc tiêm nên một số người còn coi nhẹ. Đây là môi nguy hiểm rất dễ lan rộng nếu như có dịch xảy ra.
Công Cường