Với mục tiêu hàng năm toàn huyện sẽ đào tạo nghề cho hơn 2.500 lao động ở nông thôn và người nông dân có công việc làm ăn ổn định, trong thời gian qua, huyện Quảng Điền đã đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm.
Theo đó, Trường Trung cấp nghề của huyện đã đẩy mạnh công tác chiêu sinh đào tạo nghề cho nhân dân với các loại ngành nghề đào tạo chủ yếu như may công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi thú y, đẩy mạnh các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học EM vào lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt. Đồng thời, các địa phương cũng đã thực nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích các làng nghề phát triển. Đặc biệt với chính sách duy trì và phát triển các loại ngành nghề truyền thống, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện đã duy trì và phát triển các ngành như đan lát Bao La (xã Quảng Phú), Thuỷ Lập (xã Quảng Lợi); thêu ren xuất khẩu và may công nghiệp. Trong đó, đáng chú trọng nhất là ngành nghề may công nghiệp và thêu ren xuất khẩu. Thông qua các loại ngành nghề này, hàng năm huyện Quảng Điền đã tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động cho hơn 2.000 lao động.
Cùng với việc đào tạo nghề, huyện Quảng Điền cũng đã đặc biệt chú trọng đến công tác giải quyết việc làm như đã tiến hành phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức các phiên giáo dịch việc làm. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng chục doanh nghiệp đến tư vấn tuyển chọn lao động như Công ty may mặc Scavi Huế, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất sơn Hải Vân, Công ty chế biến thủy sản Thiên Hải, Công ty bảo hiểm xã hội... Tại đây, đã có hàng nghìn lao động đến đăng ký, tư vấn để tìm cho mình một công việc đúng sở trường như: kỹ sư xây dựng công nghiệp, dân dụng, cầu đường, thủy lợi, thủy điện, nhân viên vệ sỹ, nhân viên kế toán, sản xuất hành may mặc; sản xuất kinh doanh linh kiện và mô tơ nhỏ; xây dựng công trình; may, thêu xuất khẩu; sản xuất gốm sứ xuất khẩu lao động, nhân viên tư vấn bảo hiểm.
May tiểu thủ công nghiệp tại xã Quảng Thành
Bên cạnh đó, huyện Quảng Điền cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân như ưu tiên giải quyết cho vay vốn ưu đãi về chương trình quốc gia giải quyết việc làm, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, ngư nghiệp như tăng cường công tác thâm canh gối vụ.Nếu như trước đây người dân chỉ biết sản xuất 2 vụ lúa, sau đó không có công ăn việc làm thì hiện nay, ngoài những người có ngành nghề phụ, còn lại người nông dân đã biết sản xuất thâm canh gối vụ với những mô hình làm ăn mới như mô hình 3 tầng sinh thái, nông lâm ngư kết hợp, mô hình vườn ao chuồn, mô hình cá lúa nên người dân có công ăn việc làm thường xuyên, tỷ lệ nông nhàn sau mùa vụ giảm hẳn, thu nhập của người dân từ đó cũng được nâng lên, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, hộ nghèo giảm xuống còn 9,5%.
Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay là tay nghề cho lao động nhất là lao động ở nông thôn còn rất nhiều hạn chế. Các đối tượng lao động trên địa bàn huyện vẫn còn có tình chủ quan trong công tác tiếp thu, nâng cao tay nghề, chưa chịu khó học nghề, bên cạnh đó một số ngành nghề sau khi đào tạo chưa được khai thác triệt để, dẫn đến việc làm của người dân còn thiếu ổn định. Đây là vấn đề đang được huyện Quảng Điền tập trung giải quyết.
Hy vọng rằng, với những chính sách trong quá trình đào tạo tay nghề cũng như giải quyết việc làm của huyện Quảng Điền trong thời gian tới sẽ là tiền đề để Quảng Điền vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần thúc đẩy Quảng Điền sớm trở thành huyện nông thôn mới.
Công Cường