Đây là văn bản pháp lý để tập trung quản lý thống nhất và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của Đảng phục vụ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của các cấp ủy. Ngoài ra còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm, biên soạn lịch sử Đảng... góp phần làm cho đông đảo nhân dân thấy rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam 03/01/2015, xin được giới thiệu vài nét về nội dung và giá trị cơ bản của khối tài liệu lưu trữ tại Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế là vùng đất có lịch sử lâu đời, có bề dày truyền thống cách mạng. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn anh dũng, bất khuất, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đã viết lên những trang sử hào hùng. Những kỳ tích, dấu ấn, những trang lịch sử đó đã được ghi lại, lưu trữ đầy đủ, phản ánh một cách chân thật, sinh động, chính xác quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh…
Tài liệu lưu trữ giai đoạn 1935-1954
Gồm có 359 hồ sơ, khoảng hơn 15.600 trang tài liệu ghi lại sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đảng bộ, chi bộ ở Thừa Thiên đối với nhân dân trong việc xây dựng, bảo vệ chính quyền và chống thực dân Pháp xâm lược; phản ánh được quá trình ra đời, phát triển của đảng bộ tỉnh, sự nghiệp đấu tranh vô cùng anh dũng của nhân dân Thừa Thiên; ghi lại chặng đường lịch sử đầy vinh quang nhưng cũng hết sức gian khổ từ những ngày đầu gây dựng tổ chức cơ sở, cao trào cách mạng 1930 - 1931, trong thời kỳ đấu tranh khôi phục, lãnh đạo nhân dân đòi quyền dân chủ dân sinh làm nên một cách mạng tháng 8 mùa thu 1945 lịch sử…
Tài liệu lưu trữ giai đoạn 1954-1975
Tổng cộng có 652 hồ sơ, khoảng hơn 40.000 trang tài liệu. Khối tài liệu này được thu thập, chỉnh lý khoa học, hoàn chỉnh hơn, phản ánh một quá trình hoạt động tương đối dài của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với những chặng đường đấu tranh gay go khốc liệt, tinh thần anh dũng kiên cường đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; thắng lợi vẻ vang của cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (Xuân 68) đã được Bác Hồ tặng cho nhân dân Thừa Thiên Huế 8 chữ vàng “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”; tiếp đến chiến dịch Đại thắng mùa Xuân 1975… đã đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong ba ngọn cờ đầu của chiến tranh nhân dân chống Mỹ ở miền Nam.
Ngoài những nội dung nêu trên, khối phông lịch sử trong giai đoạn này còn có hàng ngàn trang tài liệu ghi lại quá trình thử thách và rèn luyện của đội ngũ cán bộ tỉnh nhà, kế tiếp nhau lãnh đạo phong trào cách mạng, có những đồng chí đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, quân đội tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Đức Anh, Hoàng Anh… Bên cạnh đó, còn phản ánh tình hình vừa đấu tranh vừa củng cố địa phương từ đồng bằng đến miền núi trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa thể hiện qua các kỳ đại hội (từ đại hội lần thứ III đến lần thứ V, Phông số 1 - Thừa Thiên).
Tài liệu lưu trữ giai đoạn 1975-1991
Đây là khối tài liệu phản ánh quá trình hoạt động 10 năm xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên sau giải phóng với hơn 1.500 hồ sơ thuộc Phông số 2 - Bình Trị Thiên. Sau khi nước nhà thống nhất, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc quyết định hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành 1 tỉnh. Trong 2 ngày 02 đến 05 tháng 4 năm 1976, tại Thành phố Huế, Ban Thường vụ các tỉnh và khu vực đã họp và ra Chỉ thị số 293-CT/TU về việc hoàn thành thành hợp nhất tỉnh, ký ngày 15/4/1976.
Từ thời điểm đó cho đến tháng 9/1991, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và Nhà nước, Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên đã trải qua bốn kỳ Đại hội, lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, khắc phục hậu quả sau chiến tranh cùng với cả nước đưa sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đạt những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cách mạng mới.
Tài liệu lưu trữ giai đoạn 1991-2013
Với hơn 6.209 hồ sơ, khoảng hơn 500.000 trang tài liệu thuộc Phông số 3 - Thừa Thiên Huế, bao gồm khối lượng các văn kiện đại hội, nghị quyết, chỉ thị, thông báo, báo cáo…của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các kỳ Đại hội, phản ánh đầy đủ quá trình hoạt động của Đảng bộ tỉnh trong công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đất nước nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Với những giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Trong những năm qua, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chỉ đạo công tác lưu trữ, nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trên mọi lĩnh vực. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng về tầm quan trọng đối với công tác lưu trữ; chỉ đạo việc thành lập các kho lưu trữ cấp ủy, tổ chức bộ máy, nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đầu tư trang thiết bị, các phương tiện bảo quản,… đảm bảo cho công tác thu thập chỉnh lý khoa học khối lượng tài liệu tồn đọng thời kỳ trước… kịp thời phục vụ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy các cấp và toàn xã hội.
Thu Thủy