676
+ aa -

Hoạt động cấp ủy

Cập nhật lúc : 31/10/2014 09:49
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế qua một năm triển khai xây dựng Văn hóa doanh nghiệp
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp (VHDN) là những nét văn hoá đặc trưng tạo nên bản sắc, truyền thống, thế mạnh cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, là uy tín, thương hiệu để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã xây dựng Kế hoạch, cùng với các cấp ủy Đảng trong Khối quan tâm lãnh đạo các cấp ủy đảng, phối hợp với người quản lý doanh nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện VHDN có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo dựng nên thương hiệu riêng của doanh nghiệp.

Để triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp có hiệu quả, trước tiên về nhận thức: Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, hướng dẫn các cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo các đoàn thể từng đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, nhận thức đúng mức về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó đã nâng cao tính thống nhất trong việc đề ra chủ trương, xây dựng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng thông qua sự phối, kết hợp thường xuyên. Vai trò lãnh đạo, phối hợp của tổ chức đảng trong doanh nghiệp được phát huy; tầm nhìn và tính nhạy bén của chủ doanh nghiệp được chú trọng thể hiện trong việc đề ra chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; thực hiện có nề nếp Quy chế văn hoá doanh nghiệp, xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản về: Quy định chuẩn mực đạo đức, lối sống; quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động trong doanh nghiệp. Xây dựng hình thành bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức với những tiêu chí văn hoá cụ thể.

Nhiều cấp ủy, doanh nghiệp có cách làm hay, sáng tạo đề ra chủ trương, kế hoạch để xây dựng VHDN, tập trung vào việc xây dựng môi trường văn hóa giao tiếp nội bộ và môi trường văn hóa kinh doanh với những nội dung, tiêu chí cụ thể. Có những đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hoá thông qua các phong trào thi đua của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động tại công trường, nhà máy. Tiêu biểu như: Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty CP Dệt - May Huế, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế,…

Các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, bưu chính..., việc xây dựng VHDN đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, uy tín, thương hiệu của ngành; coi trọng giáo dục nâng cao ý thức của cán bộ, CNVC trong giao tiếp, phục vụ khách hàng, giao dịch hiện đại và chuyên nghiệp; xây dựng hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, CNVC; xây dựng phòng giao dịch kiểu mẫu lịch sự, hoà nhã và trung thực, tận tụy với khách hàng. Trong mỗi doanh nghiệp đều đã thể hiện được hình thái, đặc trưng cơ bản của mình trong việc xây dựng chiến lược và xác định tầm nhìn triết lý kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất, như: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn TT Huế, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Huế, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Thừa Thiên Huế, Viễn Thông Thừa Thiên Huế, Bưu Điện tỉnh...    

Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là giải pháp cốt lõi nhằm góp phần phát triển kinh tế. Ảnh: TTH

Các cấp ủy đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động, nhất là các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hoá được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX), đặc biệt là nhiệm vụ nâng cao Văn hoá lãnh đạo và quản lý, văn hoá  kinh doanh, văn hoá trong nhân cách con người. Gắn kết chặt chẽ với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là trong việc đề ra nội dung, phương hướng phấn đấu của doanh nghiệp cũng như các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về hành vi ứng xử, phẩm chất đạo đức, phong cách của từng cá nhân, trong đó hết sức đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu.

Để phục vụ sinh nhu cầu văn hóa, thể thao, sinh hoạt hàng ngày cho cán bộ, CNVC và người lao động, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đều đầu tư sân thi đấu các môn thể thao; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tổ chức giao lưu với các địa phương, tổ chức các hội thi, hội thao, hội diễn với quy mô rộng lớn, nhiều người tham gia, có tác động tích cực trong sản xuất kinh doanh và đời sống tinh thần của cán bộ, CNVC, người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan và nhân dân trong khu vực. Hàng năm, các tổ chức công đoàn đã chủ trì tổ chức cho cán bộ, CNVC và người lao động về nguồn, thăm quan các di tích lịch sử, nghỉ mát, giao lưu học tập tìm hiểu về thuần phong, mỹ tục và những công trình di sản văn hoá có giá trị của đất nước, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong đời sống, sinh hoạt cho người lao động.

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chú trọng chỉ đạo các đơn vị sớm nghiên cứu, ban hành Sổ Tay VHDN của đơn vị mình. Nội dung các Sổ tay VHDN đã xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, khẩu hiệu, giá trị cốt lõi, giá trị của doanh nghiệp. Ngoài ra để tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu, tham khảo, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng mẫu Sổ tay VHDN chung. Đến nay đã có nhiều đơn vị hoàn thành Sổ tay VHDN của đơn vị mình và đưa vào thực hiện đạt hiệu quả cao. Xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng Khối Doanh nghiệp về xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp” tạo điều kiện cho các cấp ủy có cơ sở để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, qua hơn 01 năm triển khai thực hiện, vẫn còn những hạn chế như: Vai trò của một số cấp ủy đảng trong việc chỉ đạo, phối hợp với người lãnh đạo, quản lý đơn vị doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, CNVC và người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở một số đơn vị còn hạn chế; một số chủ doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến xây dựng VHDN, chưa ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thường chú trọng đến hiệu quả, lợi nhuận, chưa thật sự quan tâm đến phân phối hay bảo vệ quyền lợi của người lao động và người tiêu dùng…

Ban Thường vụ Đảng ủy đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu để triển khai việc xây dựng VHDN đạt hiệu quả hơn.

Trước hết, các cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý phải đặc biệt quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng VHDN sát với thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp mình. Mọi tiêu chí thực hiện văn hoá phải hướng tới mục tiêu: Văn minh công sở, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả SXKD, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá làm ra và nâng cao thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.

Xây dựng và thực hiện VHDN phải xuất phát từ yêu cầu chăm lo chu đáo cho người lao động về vật chất, tinh thần trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh đã thực hiện; xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà đảm bảo gắn kết được từng con người trong doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung và kết quả cuối cùng là phải vì con người, vì uy tín, chất lượng và động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu thực hiện nội quy, quy định nếp sống văn hoá công sở; đồng thời, mạnh dạn thẳng thắn tự phê bình và phê bình đối với mọi hành vi vi phạm quy định về văn hoá doanh nghiệp. Cán bộ, công nhân viên chức và người lao động cần nêu cao tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm quy định về văn hoá doanh nghiệp.

Phải thật sự công khai, dân chủ, các quy định phải phù hợp với đặc thù của đơn vị, doanh nghiệp. Người lao động được thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề liên quan, đây chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động đồng thuận, tự giác cùng nhau thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả hữu hiệu nhất về xây dựng VHDN.

Nghị quyết TW 5 khóa VIII xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đến Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. So với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì tại nghị quyết này, xây dựng con người Việt Nam được đưa lên tiêu đề của nghị quyết và vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa. Trong thời đại ngày nay, để phấn đấu đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, không chỉ phụ thuộc vào nhiều hay ít lao động vốn, kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, mà chủ yếu là khả năng phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa, nghĩa là trong ý chí tự cường và khả năng hiểu biết, trong tâm hồn đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Để văn hóa trở thành động lực thì giải pháp của mọi giải pháp phải hướng vào giải pháp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; các chính sách, cơ chế cho phát triển phải hướng vào tạo điều kiện cơ sở cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người. Văn hóa trong lãnh đạo, văn hóa trong quản lý, văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa sinh hoạt gia đình và ngoài xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế. Vì vậy mà, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.

 

Phạm Thanh Bình