Với vai trò là người gác "phên giậu", chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 84km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Sê Kông, Sa-la-van (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và vùng biển rộng lớn với bờ biển trải dài 126km; trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Thừa Thiên Huế đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác vận động quần chúng, xây dựng nền biên phòng và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Với đặc thù công việc, hầu hết cán bộ, chiến sĩ phải công tác xa quê, xa gia đình; ở địa bàn khó khăn gian khổ, môi trường độc hại; cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ công tác và đời sống còn nhiều khó khăn; phải trực tiếp đối mặt với các loại đối tượng nguy hiểm, nhưng trong thời chiến cũng như thời bình đều chấp hành nghiêm túc sự phân công, điều động của tổ chức từ vùng biển lên miền núi, từ nơi thuận lợi về nơi khó khăn gian khổ, vùng sâu, vùng xa... vượt qua mọi khó khăn thử thách, đồng cam cộng khổ, gắn bó máu thịt với nhân dân, góp phần tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới.
Trang sử hào hùng của lực lượng BĐBP Thừa Thiên Huế gắn liền với truyền thống anh hùng của quân và dân Thừa Thiên Huế. Những truyền thống tốt đẹp của BĐBP tỉnh 50 năm qua luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa ghi nhận, tin yêu.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đặt ra cho công tác biên phòng những nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm và tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong công tác, góp phần xây dựng lực lượng BĐBP Thừa Thiên Huế vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Để làm tốt những nội dung trên, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu chủ yếu sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng trận địa tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị.
Đây là chủ trương, giải pháp quan trọng hàng đầu, làm cơ sở vững chắc để xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấy được vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính trị tư tưởng. Trong đó, đặc biệt chú ý "vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất" hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và quần chúng hiện nay. Tạo nên sự đồng thuận cao về nhận thức, quyết tâm hành động xây dựng trận địa tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh trong từng cán bộ, chiến sĩ, ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống của dân tộc, của Quân đội, của BĐBP; quán triệt tình hình nhiệm vụ mới, nhận rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại đối tượng…, trên cơ sở đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật, kỷ luật với đạo đức, lối sống, đẩy mạnh thực hiện hai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”, "Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm", bảo đảm đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức tư tưởng, về đạo đức, lối sống trong mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện tại đơn vị.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP là lực lượng thường xuyên phải đối mặt với các loại đối tượng nguy hiểm, độc lập xử lý nhiều tình huống phức tạp, đột xuất. Nếu không được huấn luyện, đào tạo và rèn luyện toàn diện về kiến thức chính trị, nghiệp vụ, quân sự, võ thuật... sẽ dẫn đến bị động, lúng túng hoặc hoang mang, dao động cả trong nhận thức và hành động. Vì vậy, trong huấn luyện, phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hướng dẫn và nội dung của các cơ quan nghiệp vụ cấp trên, với phương châm "thiết thực, cơ bản và vững chắc". Khuyến khích tinh thần tự học, tự rèn của mọi cá nhân và phát huy sức mạnh của tập thể cấp ủy, chỉ huy và các tổ chức trong đơn vị tham gia vào quá trình huấn luyện tại đơn vị.
Ba là, thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng các cơ quan, đơn vị thực sự thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.
Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để thực hiện "Diễn biến hòa bình", nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, là vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề đoàn kết nội bộ... Do đó, đòi hỏi các cấp ủy, chỉ huy phải thường xuyên coi trọng và thực hiện nghiêm túc, thực chất Quy chế dân chủ ở cơ sở, quan tâm xây dựng sự đoàn kết thống nhất từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò nêu gương trong cấp ủy, chỉ huy. Mọi chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện đều phải được bàn bạc, thống nhất trong tập thể, bảo đảm dân chủ trong chính trị, quân sự và kinh tế với phương châm: Công khai, dân chủ trong bàn bạc và triển khai thực hiện. Cán bộ cấp trên phải thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cấp dưới, sâu sát từng chiến sĩ, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh, phát huy quyền tự do dân chủ của cán bộ, chiến sĩ, nhất là tiếng nói của các tổ chức quần chúng trong đơn vị.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với việc thực hiện chế độ chính sách, chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và hậu phương quân đội.
Trong bố trí, sắp xếp công việc, điều động, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ phải căn cứ vào các nguyên tắc chuyên môn; nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, nhất là nguyện vọng chính đáng của anh em, để có quyết định chính xác, góp phần giải quyết tốt công tác tư tưởng trong đơn vị, động viên cán bộ, chiến sĩ vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Gắn chặt công tác cán bộ, công tác tổ chức, công tác tư tưởng với việc thực hiện chế độ, chính sách. Việc thực hiện chính sách hậu phương không chỉ quan tâm đến những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều tuổi quân, tuổi đời, những đồng chí thuộc diện chính sách, mà còn chú ý đến chiến sĩ mới, những cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, sĩ quan trẻ. Trên cơ sở đó, có kế hoạch chủ động tiếp xúc, thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện để anh em bày tỏ tâm tư, tình cảm và giúp họ giải quyết tốt các nhu cầu chính đáng trong điều kiện cho phép ở đơn vị. Duy trì tốt công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng người, đúng thành tích để bình xét khen thưởng. Xây dựng không khí tươi vui phấn khởi trong đơn vị để cán bộ, chiến sĩ thực sự an tâm công tác, coi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".
Nguyễn Ngọc Thiện
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế