357
+ aa -

Tin tức hoạt động

Cập nhật lúc : 08/09/2015 09:55
Thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra – thực trạng và giải pháp
Trong những năm qua, công tác thanh tra đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Các cuộc thanh tra được triển khai rộng khắp trên cả nước, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước cũng như củng cố trật tự quản lý trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Ngoài việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, các cơ quan thanh tra nhà nước đã có hàng ngàn kiến nghị có giá trị giúp cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo lập hành lang pháp lý và môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như bình ổn an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác thanh tra chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm, việc bảo đảm thực thi kết luận thanh tra chưa thực sự được quan tâm. Trong khi đó, hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức và triển khai đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra được xử lý như thế nào. Theo báo cáo công tác của ngành Thanh tra và kết quả khảo sát các bộ, ngành, địa phương cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra còn thấp, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản thất thoát thấp so với các kiến nghị trong các kết luận thanh tra. Việc thực hiện các kiến nghị khác trong các kết luận thanh tra cũng chiếm tỷ lệ không cao. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác thanh tra.

Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân trong nội tại hoạt động và kết quả hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước như việc xác định nội dung, đối tượng thanh tra; chất lượng hoạt động thanh tra, báo cáo, kết luận thanh tra; việc đôn đốc, theo dõi viêc xử lý sau thanh tra. Có nguyên nhân thuộc về khách quan, như trách nhiệm, ý thức tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan nhà nước; ý thức chấp hành của đối tượng thanh tra; việc giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra của các cơ quan nhà nước,… Trong đó cụ thể là do một số nơi, các cấp ủy Đảng, công đoàn, thanh tra nhân dân và lãnh đạo cấp trên của đối tượng thanh tra chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cá nhân, tổ chức có sai phạm thực hiện nghiêm kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, hiện nay chất lượng một số kết luận, kiến nghị thanh tra chưa sát với thực tế, nhất là những kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thu hồi tiền, tài sản thất thoát. Việc theo dõi sau thanh tra còn nhiều khó khăn. Việc thu hồi về kinh tế đối tượng chậm thực hiện thì chưa có biện pháp xử lý cụ thể, việc xử lý về kiểm điểm các cá nhân hoặc tập thể còn bị động, khó theo dõi. Theo Luật Thanh tra năm 2004, việc theo dõi, đôn đốc sau thanh tra không có cơ sở pháp lý cụ thể. Luật Thanh tra 2010 đã có những quy định cụ thể cho vấn đề này. Tuy nhiên việc triển khai còn nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế hỗ trợ cụ thể. Chưa có biện pháp chế tài xử lý triệt để việc đối tượng thanh tra cố tình né tránh, chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra; nhiều nơi, nhất là ở các địa phương còn có hiện tượng thiếu kiên quyết xử lý theo thẩm quyền, còn né tránh, ngại đụng chạm… đối với đơn vị trực thuộc và các cá nhân có liên quan đến vi phạm qua thanh tra. Bên cạnh đó còn có hiện tượng đối tượng thanh tra tránh né, giải trình, khiếu nại vượt cấp…nhằm kéo dài thời gian thực hiện, nhưng chưa có chế tài buộc thực hiện, dẫn đến việc xử lý sau thanh tra kết quả còn chậm kéo dài nhiều năm không thực hiện được, nhất là các kiến nghị thu hồi về kinh tế. Ngoài ra, ở một số cuộc thanh tra, căn cứ pháp lý quan trọng để kết luận, kiến nghị đó là hệ thống các chứng cứ có trong hồ sơ của cuộc thanh tra; song các chứng cứ được phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá, xác minh…ở các cuộc thanh tra đó vừa yếu, vừa thiếu dẫn đến làm cho các kết luận, kiến nghị của cuộc thanh tra chưa được đối tượng thanh tra “ tâm phục, khẩu phục”, dư luận đồng tình ủng hộ và cũng gặp những khó khăn vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện trong thực tế.

Để nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra thiết nghĩ cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thanh tra.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thanh tra. Trong đó cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về hoạt động thanh tra trong công tác quản lý nhà nước. Thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, là một phương thức của kiểm tra, là chức năng của quản lý và là công cụ của người lãnh đạo, người quản lý; thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước; thanh tra là một phương thức bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh tính mục đích của hoạt động thanh tra hiện nay. Thanh tra không chỉ nhằm phát hiện, xử lý khuyết điểm, vi phạm mà còn là phát huy các nhân tố tích cực, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra thực hiện đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời góp phần tích cực vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Chỉ khi nào, và chừng nào làm được như vậy mới thể hiện được một cách trọn vẹn nhất ý nghĩa của công tác thanh tra, làm cho thanh tra thực sự là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân.

Hai là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định của pháp luật về việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra: Các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thực hiện quyền thanh tra là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra chỉ có thể được thực hiện hiệu quả trên cơ sở những quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra là giải pháp quan trọng, cơ bản để nâng cao kết quả hoạt động thanh tra.

Cụ thể: Cần có quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra thống nhất trong toàn ngành; Quy định cụ thể về xử lý về trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính khi trong việc tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra; Có chế tài cụ thể về pháp luật, tài chính, xử phạt đủ mạnh trong việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra như cưỡng chế thi hành, phong toả tài khoản, cấm tham gia đấu thầu hoặc chỉ định thầu đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ kiến nghị thanh tra…;  Xây dựng cơ chế phối hợp với Thanh tra nhân dân, tranh thủ sự kiểm tra, giám sát của Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện quyết định, kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Tăng tính độc lập và bổ sung thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra sao cho các kết luận thanh tra không chỉ là kiến nghị mà buộc các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải thực hiện. Bên cạnh đó cần tăng thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, đồng thời quy định trách nhiệm báo cáo, thông tin về quá trình thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra. Trong Luật và những văn bản hướng dẫn thi hành phải quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của: đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, những cơ quan, tổ chức có quyền nghĩa vụ liên quan, các cơ quan nhà nước trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các đối tượng liên quan thực hiện Kết luận thanh tra.

Ba là, nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra

Trên thực tế, việc bắt buộc các đối tượng liên quan thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị thanh tra là rất khó, bởi vì sau khi có kết luận thanh tra việc thi hành kết luận thanh tra chủ yếu phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan quản lý và ý thức chấp hành của đối tượng thanh tra. Để nâng cao chất lượng việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, về phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải có sự độc lập và khách quan, công tâm trong việc xem xét, xử lý các kiến nghị trong Kết luận thanh tra; Phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến rộng rãi các qui định của pháp luật đến các đối tượng thanh tra và các bên liên quan để những thành phần này có sự hiểu biết phạm vi, quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm của mình khi thực hiện các Kết luận thanh tra; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ đối thoại giải đáp kịp thời các khó khăn vướng mắc về pháp luật cho người dân, đơn vị, công chức để mọi người tự nguyện tuân thủ đúng pháp luật. Tăng cường kiểm tra đôn đốc của Thủ trưởng cơ quan cấp trên đối với Thủ trưởng cơ quan cấp dưới, thường xuyên tiến hành kiểm tra theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, xử lý người có hành vi phạm. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thực hiện Kết luận thanh tra: Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đối tượng thực hiện các kết luận thanh tra trong việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.

Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra

Người ra quyết định thanh tra có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc thanh tra, từ việc ra quyết định thanh tra, chỉ đạo quá trình thanh tra đến xây dựng báo cáo, kết luận thanh tra. Người ra quyết định thanh tra thực hiện chỉ đạo và giám sát suốt quá trình diễn ra cuộc thanh tra. Trên cơ sở báo cáo kết quả hoạt động thanh tra, người ra quyết định thanh tra ra văn bản Kết luận thanh tra, bảo đảm chất lượng của Kết luận thanh tra. Đây là cơ sở quan trọng đầu tiên của việc thực hiện có hiệu quả các kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Vì các kết luận, kiến nghị có đúng, phản ánh khách quan kết quả thanh tra mới làm cho đối tượng thanh tra “tâm phục khẩu phục” và dư luận đồng tình, như vậy mới tạo cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Có thể nói, người ra quyết định thanh tra có vai trò quan trọng, xuyên suốt quá trình tiến hành cuộc thanh tra và tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Vì vậy, trong thời gian tới cần đề cao vai trò và trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra

Nhân tố chủ yếu tác động đến kết quả của hoạt động thanh tra chính là nhân tố con người làm công tác thanh tra, bao gồm phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của cán bộ thanh tra. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp và các công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành để có phẩm chất đạo đức, kỹ năng, kỹ xảo...để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc này có ý nghĩa lâu dài đối với việc củng cố, phát triển nguồn lực con người, đặc biệt yếu tố này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả các kết luận, kiến nghị thanh tra.

Sáu là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra

Sự thiếu rõ ràng trong cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới những chậm chễ, hạn chế trong hoạt động thanh tra thời gian vừa qua. Để hoạt động thanh tra được diễn ra thuận lợi, có hiệu quả thì việc đổi mới, tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan có thẩm quyền là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả.

Có thể nói, hoạt động thanh tra đang ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý, thanh tra là bộ phận không thể rời của công tác lãnh đạo. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra đang là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết của nagnfh thanh tra , trong đó việc thực thi có hiệu quả kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra có vai trò hết sức quan trọng, quyết định hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách nền hành chính theo hướng phục vụ đồng thời với việc hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đặt ra đòi hỏi tất yếu là hoạt động thanh tra cần phải làm tốt vai trò của mình, kết quả hoạt động thanh tra phải có chất lượng tốt và những kết quả đó cần phải được phát huy rộng rãi./.

Th.s Nguyễn Thị Hồng Thúy

Giảng viên Trường CB Thanh tra - Thanh tra Chính phủ

(Nguồn: Thanh tra Chính phủ)