374
+ aa -

Tin tức hoạt động

Cập nhật lúc : 05/11/2014 16:37
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam

Ngày 28-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh, Bộ Phát triển quốc tế Anh (UK Aid) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo trước Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam”. Kết quả Hội thảo sẽ được tổng hợp để báo cáo tại Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 13, dự kiến tổ chức vào ngày 26-11 tới đây.

Quang cảng Hội thảo

 

Theo Thanh tra Chính phủ, chính sách phòng, chống tham nhũng của ViệtNamcoi phòng ngừa là giải pháp quan trọng, cơ bản và lâu dài. Khuôn khổ pháp luật về phòng ngừa tham nhũng của ViệtNamtương đối toàn diện. Có thể chia mức độ hiệu quả của các giải pháp thành 3 nhóm: nhóm các giải pháp phát huy tốt hiệu quả phòng ngừa tham nhũng (cải cách thủ tục hành chính; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức đơn vị; phát huy vai trò của báo chí, người dân trong giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng…). Nhóm có hiệu quả trung bình (chế độ trách nhiệm người đứng đầu; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vi; chuyển đổi vị trí công tác…). Nhóm các giải pháp còn nhiều hạn chế trong triển khai thực hiện (quy định về nộp lại quà tặng; trả lương qua tài khoản; ninh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…).

Về thu hồi tài sản tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng, Bộ Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự quy định những chế tài hình sự nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng, kèm theo đó là các hình phạt bằng tiền, tịch thu tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng tại ViệtNamđược thực hiện qua các phương thức: tố tụng hình sự và thủ tục hành chính (thanh tra, kiểm tra). Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, thu hồi 46,9 tỷ đồng (đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013). Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6,7 nghìn tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1,5 nghìn tỷ (đạt 22,3%, tăng 14,1% so với năm 2013).

Tuy nhiên, việc phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản đang là một thách thức hiện nay. Quy định về pháp luật trong phòng ngừa tham nhũng mới chỉ tập trung ở khu vực công và đối với người có chức vụ quyền hạn, trong khi các mối quan hệ kinh tế- xã hội làm nảy sinh tham nhũng lại không bó hẹp trong khu vực này. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng hơn so với trước nhưng số tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng còn lớn, việc thu hồi còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Tài sản bị đánh cắp do tham nhũng đang gây thất thoát nghiêm trọng đối với Ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, những kẻ tham nhũng đã bớt xén cả phần thu nhập ít ỏi của người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực trạng đó đang đặt ra những thách thức trong việc thực hiện công bằng xã hội và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Các đại biểu dự Hội thảo nhìn nhận: Tham nhũng là một thách thức toàn cầu, không phân biệt chế độ chính trị, khu vực địa lý hay truyền thống văn hóa. ViệtNamlà một quốc gia đang phát triển, thể chế kinh tế thị trường đang từng bước được hoàn thiện; cấu trúc của nền kinh tế đang thay đổi, trong khi năng lực quản trị công còn hạn chế thì công tác phòng chống tham nhũng sẽ còn là môt thách thức lâu dài. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từng khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam cần hoạch định các mục tiêu phòng chống tham nhũng trong “Trụ cột quản trị công” của Khung hành động chính sách, với một tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả trong nước; đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị các chính sách phù hợp với Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Nhiều đại biểu cho rằng, cũng như bất cứ quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), trong cuộc chiến lâu dài ngăn ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng cho quốc gia đồng thời hỗ trợ các nước khác, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng triển khai thực hiện "thực chất và hiệu quả" việc kê khai tài sản thu nhập, tiến tới kiểm soát tài sản thu nhập trong thực tế; tăng cường năng lực, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; xây dựng các cơ chế giám sát từ bên ngoài đối với công tác phòng, chống tham nhũng...

Nguồn: Ban Nội chính Trung ương