Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động trợ giúp pháp lý luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm về trợ giúp pháp lý được nêu tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đó là “Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách theo hướng xã hội hóa”; “Hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế cung ứng dịch vụ công thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp”... Cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Hiến pháp năm 2013 và một số văn bản có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý như Luật Luật sư; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm làm cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ và người dân thấy được sự cần thiết cũng như quyết tâm đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước.
Bắt đầu từ năm 2014, Tỉnh ta tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 11, ngày 4/7/2013 “Hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng” do liên bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Nhờ đó, nhận thức về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với hoạt động trợ giúp pháp lý đã được nâng lên một bước, các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã chủ động hơn trong việc giải thích cho các đối tượng về quyền được trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp tích cực chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có đủ năng lực, trình độ tham gia vào quá trình tố tụng nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp chặt chẽ với các các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc thông tin, giải thích quyền và nghĩa vụ theo pháp luật tố tụng, quyền được trợ giúp pháp lý cho những người thuộc diện trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ hoặc thân nhân đến với Trung tâm Trợ giúp pháp lý để yêu cầu trợ giúp.
Đ/c Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương tại buổi làm việc với Tỉnh.
Từ khi triển khai Thông tư liên tịch số 11 đến nay, Hội đồng phối hợp liên ngành của tỉnh đã phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho 336 đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó, án hình sự 321 đối tượng (bào chữa 298 đối tượng, bảo vệ 23 đối tượng); án dân sự 10 đối tượng; án hành chính 05 đối tượng. Do Luật sư - cộng tác viên thực hiện là 121 đối tượng; do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 215 đối tượng. Chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên của Trung tâm đã được nâng lên, bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật, hạn chế kháng cáo và những khiếu kiện vượt cấp.
Tuy nhiên, để hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc nâng cao sự hiểu biết pháp luật, góp phần vào quá trình xây dựng nền văn hóa pháp lý Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, về hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của nhà nước. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý. Nghiên cứu, tạo cơ chế để Trung tâm trợ giúp pháp lý sử dụng luật sư đang hoạt động theo Luật Luật sư; bên cạnh đó, mở rộng diện đối tượng tham gia trợ giúp pháp lý như các Điều tra viên, Kiểm sát viên, cán bộ tư pháp về hưu còn đủ sức khỏe và nhiệt tình tham gia. Kiến nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng đưa chức danh Trợ giúp viên pháp lý với tư cách người bào chữa cho đối tượng được trợ giúp pháp lý; quy định về việc chỉ định người bào chữa cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm quyền bào chữa và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử như ghi nhận của Hiến pháp năm 2013…
Duy Bình