1. Bị mạng Internet “lấn át”
Trao đổi với một số cán bộ về hiệu quả của Tủ sách pháp luật, phần lớn đều cho rằng “từ ngày có internet, mọi người ít cần đến sách”. Đó là thực tế của không ít cơ quan, đơn vị hiện nay. Nhiều nơi, Tủ sách pháp luật rơi vào tình trạng “bỏ mặc”, hầu như chẳng có ai tìm đến. Sự thuận lợi trong việc tra cứu, tìm kiếm từ mạng internet đã thu hút một lượng lớn người sử dụng. Tại đợt kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 của tỉnh Thừa Thiên Huế, cán bộ lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan đã phát biểu: Sử dụng tài liệu từ mạng internet rất thuận lợi, muốn xem trang nào đến ngay trang đó, muốn tìm thông tin gì trong văn bản “seach” có ngay, muốn chữ to để đỡ đau mắt cũng được,… Tất cả những thuận lợi đó của mạng internet là một trong những lý do rất quan trọng “hút” mất độc giả “truyền thống” của Tủ sách pháp luật, chưa nói đến đối tượng thanh thiếu niên trẻ hiện nay.
Kiểm tra các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã, có một số đơn vị có bố trí kinh phí để mua sách pháp luật. Quan sát các Tủ sách pháp luật, chất lượng quản lý rõ ràng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê, các Tủ sách có từ 200 - 300 đầu sách. Trong đó, ở cấp tỉnh và huyện, sách chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật nhưng không đầy đủ, hệ thống; ở cấp xã, gần 60% là sách hỏi - đáp do cơ quan cấp trên cấp phát miễn phí, một số sách văn bản quy phạm pháp luật và công báo… Trong công tác quản lý, việc mở sổ sách theo dõi mượn, trả thực hiện chưa nghiêm túc, nhiều đơn vị chưa lập sổ do chủ quan vì cho rằng: đều là người cùng cơ quan mượn đọc, nghiên cứu. Từ đó, dẫn đến tình trạng “có mượn không có trả”, làm thất thoát nguồn tài liệu của Tủ sách vốn đã không được phong phú. Mô hình luân chuyển tài liệu giữa Tủ sách pháp luật của xã với Bộ đội biên phòng, Bưu điện xã cũng dần “chết yểu” do nguồn tài liệu không phong phú và không có người phụ trách.
Từ những hạn chế trong công tác quản lý và sự phát triển của mạng Internet đã dần lấn át vai trò, làm mờ nhạt ý nghĩa của “Tủ sách pháp luật”. Đã đến lúc cần xem xét lại một cách toàn diện về Tủ sách pháp luật, xác định đúng vai trò, ý nghĩa, đối tượng và phạm vi phục vụ của Tủ sách pháp luật vì vẫn còn nhiều người, nhiều nơi thật sự rất cần tài liệu pháp luật bằng sách.
2. Xác định đúng vai trò của Tủ sách pháp luật
“Tủ sách pháp luật vẫn rất cần đối với cán bộ, nhân dân”. Đó là khẳng định của đại diện nhiều ngành, địa phương. Mạng internet thật sự mang lại nhiều thuận tiện trong việc tra cứu văn bản. Tuy nhiên, để phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc hội họp thì phải có các tài liệu bằng sách, tài liệu công báo - tài liệu gốc. Mặt khác, tuy hệ thống mạng internet hiện nay hầu như đã được phổ cập, nhưng thực tế có những địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hết sức khó khăn về mặt cơ sở vật chất hoặc hệ thống mạng chưa bảo đảm chất lượng, vấn đề này cũng xảy ra đối với cả khu vực thành phố. Hoặc như phát biểu của một đồng chí Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện: “Bác nông dân vốn tay cày tay cuốc thì làm sao biết đến máy vi tính với mạng internet”. Vậy thì, vấn đề đặt ra là phải cân bằng giữa hai hình thức khai thác tài liệu nhằm phục vụ công tác có hiệu quả nhất. Riêng đối với mô hình Tủ sách pháp luật, cần xác định lại vai trò, phạm vi đối tượng phục vụ để xây dựng, quản lý đúng hướng. Sau đây là một số giải pháp khắc phục hạn chế cũng như thu hút bạn đọc:
Thứ nhất, Tủ sách phục vụ cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị, nội dung tài liệu trang bị phải hết sức đầy đủ và hệ thống. Trước hết, đó là hệ thống các tài liệu văn bản quy phạm pháp luật, gồm Hiến pháp, Bộ luật, các luật, pháp lệnh; các tài liệu hệ thống văn bản từng ngành, lĩnh vực. Văn bản sắp xếp đang có hiệu lực, đã hết hiệu lực qua các năm.
Thứ hai, loại tài liệu tiếp theo rất cần thiết nhưng ít khi tìm thấy ở các tủ sách pháp luật và thực tế cũng rất khó tìm kiếm ở mạng internet, đó là các sách bình luận, nghiên cứu các bộ luật (hình sự, dân sự, tố tụng), từ điển tiếng Việt và từ điển pháp luật.
Thứ ba, trong công tác quản lý, có thể xác định đối tượng cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu là mượn tài liệu để nghiên cứu, ít khi ngồi đọc tại chỗ. Do đó, nên chú trọng quản lý khâu mượn trả, tránh thất thoát tài liệu.
Thứ tư, đối với Tủ sách pháp luật cho nhân dân, nội dung tài liệu có thể là sách hỏi - đáp, tình huống,… được trang bị như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề “nhức nhối” lâu nay cần giải quyết là vị trí đặt Tủ sách pháp luật. Đặt ở đâu để thuận lợi cho người dân trong việc mượn trả nhưng cũng bảo đảm cho công tác quản lý khi mà biên chế chuyên trách cho nhiệm vụ này không có. Nhìn lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 02 xã thuộc huyện Phong Điền có mô hình Tủ sách pháp luật ở thôn, được đánh giá hoạt động hiệu quả, đó là thôn Kế Môn (xã Điền Môn) và thôn Cổ bi (xã Phong Sơn). Mô hình này do người dân tự ý thức lập nên để phục vụ nhân dân ở thôn, do đó có sự quản lý và đầu tư tốt. Đó là những điển hình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng lại khó nhân rộng nếu chỉ bằng nguồn lực của Nhà nước do không đủ kinh phí, con người để quản lý. Có thể nói, giải pháp trước mắt, vẫn là đặt Tủ sách pháp luật tại khu vực “Một cửa”, nơi người dân đến giao dịch, nộp hồ sơ và nhận lại kết quả.
Thứ năm, trong khâu bổ sung đầu sách, có thể lấy ý kiến của người đọc về những tài liệu cần sử dụng để nghiên cứu, xem xét thêm nhằm phục vụ đúng nhu cầu người đọc.
Một vấn đề nữa bài viết muốn đề cập đến, đó là hiện nay chúng ta đang xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật điện tử. Việc thực hiện vẫn đang trong lộ trình. Tuy nhiên, trước mắt có thể áp dụng một phần công nghệ này vào quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật. Các cơ quan, địa phương đều có Trang thông tin điện tử, để thuận lợi cho người mượn và người quản lý, tiết kiệm thời gian trong khâu tìm kiếm, hàng tháng cần cập nhật danh mục tài liệu hiện có trong tủ sách lên Trang thông tin điện tử để những ai có nhu cầu có thể tra cứu và mượn (Danh mục này bao gồm sách của Tủ sách pháp luật, tài liệu đang được mượn, người mượn, thời gian mượn và dự kiến thời gian trả,…). Ngoài ra, việc hoàn thiện Tủ sách pháp luật với nội dung tài liệu được hệ thống cần có thời gian. Trước mắt, có thể lựa chọn các tài liệu có nội dung hay, thiết thực để có bài giới thiệu trên Trang thông tin điện tử. Dần dần, sẽ cập nhật tất cả nội dung (bài giới thiệu tóm tắt) các tài liệu lên Trang thông tin điện tử. Hoạt động này có thể áp dụng chung cho cả Tủ sách pháp luật các cơ quan và ở cấp xã.
Với những biện pháp xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật thích hợp, chất lượng, lấy người đọc làm trung tâm, tạo mọi thuận lợi trong khâu mượn - trả, tin chắc rằng, Tủ sách pháp luật vẫn là mô hình không thể thiếu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cho dù công nghệ thông tin có sự phát triển nhanh chóng đến đâu.
Nguyễn Thị Đào - Sở Tư pháp