590
+ aa -

Tin tức hoạt động

Cập nhật lúc : 12/07/2016 16:27
Hội nghị trực tuyến về triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại
Chiều 11/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại. Dự hội nghị, có các đồng chí: Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Hà Hùng Cường - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện Tòa án nhân dân tối cao và một số bộ, ngành Trung ương.

Chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có đồng chí Hồ Viết Tư - Phó Giám đốc Sở Tư pháp; cùng tham dự có các trưởng phòng và Chánh Văn phòng Sở Tư pháp; đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Tỉnh ủy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và một số tòa án nhân dân cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự và một số chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa 12 đã ban hành Nghị quyết 24 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó giao cho Chính phủ quy định và thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Từ năm 2010, chế định Thừa phát lại được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị của Chính phủ, ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết 36 về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, trong đó, giao cho Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm.

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội,  chế định thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, tổng số nhân lực đang làm việc tại các văn phòng Thừa phát lại là 638 người, gồm 135 Thừa phát lại, 306 thư ký nghiệp vụ và 197 nhân viên khác. Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và đề xuất, kiến nghị của Chính phủ tại Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19-10-2015 và Tờ trình số 584/TTr-CP ngày 27-10-2015, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIII đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Nghị quyết số 107/2015/QH13 được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và không làm gián đoạn hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập và đang hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12, Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội.

Qua thời gian thí điểm, chế định thừa phát lại đã thể hiện được nhiều ưu điểm, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp. Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án. Hoạt động lập vi bằng đã tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng; đồng thời, hạn chế tranh chấp giữa các bên, tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật. Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án giúp người dân có thêm công cụ hỗ trợ, có thêm sự lựa chọn phù hợp với mong muốn, niềm tin của mình khi yêu cầu thi hành án dân sự, góp phần giảm tải cho cơ quan thi hành án dân sự và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự...

Phần thảo luận diễn ra trong không khí nghiêm túc, cởi mở. Các tham luận được đánh giá cao, thể hiện sự nghiên cứu sâu cả về lý luận cũng như thực tiễn. Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng nhằm làm rõ hơn quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp là đáp ứng yêu cầu khách quan, tất yếu khi nước ta chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch, tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp và yêu cầu hội nhập quốc tê.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu, nhất là các ý kiến về tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ các văn phòng Thừa phát lại hoạt động trong thời gian đầu; về các ý kiến đề nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan cho phù hợp; vấn đề này đã và đang được thực hiện theo đúng lộ trình… Đồng thời, yêu cầu các tỉnh, thành phố từ nay cho đến năm 2018 (thời điểm dự kiến trình Quốc hội dự án Luật Thừa phát lại) cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại chính thức trên toàn quốc nhằm tăng cường hơn nữa sự thống nhất về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp này của Đảng và Nhà nước; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch của Bộ Tư pháp, tập trung là các nhiệm vụ: sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành về Thừa phát lại; xây dựng đội ngũ thừa phát lại; tổ chức quán triệt, triển khai, tập huấn về Nghị quyết số 107/2015/QH13 và các văn bản liên quan; tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại; Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại...

Duy Bình