Thứ nhất: Sự phát triển của khoa học công nghệ xây dựng trong lĩnh vực xây dựng
Tri thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội ngày càng phát triển trong đó có sự phát triển về các ngành khoa học công nghệ như: công nghệ vật liệu, công nghệ xây dựng, quy trình kỹ thuật xây dựng, công nghệ kiến trúc... sự phát triển đó đòi hỏi pháp luật quốc gia phải hội nhập nhiều hơn nữa các quy chuẩn xây dựng quốc tế, quy chuẩn xây dựng khu vực và đặt ra yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật chuyên ngành xây dựng theo hướng tập hợp hóa, pháp điển hóa cao các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, kỹ thuật của ngành xây dựng, đây chính là công cụ pháp lý đầy đủ cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng cũng như các chủ thể có thẩm quyền thanh tra xây dựng. Tính tích cực được thể hiện qua việc cơ quan thanh tra xây dựng, các thanh tra viên xây dựng phải tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển khoa học công nghệ xây dựng, sự hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại sự coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền dẫn đến sự tha hóa về đạo đức, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, thanh tra viên xây dựng tạo ra sự móc ngoặc, bảo kê, thông đồng, lơ là trong hoạt động công vụ với mục đích trục lợi,đặc biệt là nạn lót tay, hối lộ, tham nhũng trong các dự án, công trình công cộng xảy ra ngày một nhiều. Trong khi đó tốc độ phát triển đô thị ngày một nhanh, tiến độ xây dựng ngày một ngắn, công nghệ vật liệu xây dựng thông minh được sản xuất nhiều hơn dẫn đến khả năng bắt kịp tiến độ của thanh tra viên chưa cao, dễ dẫn đến sự yếu kém trong quản lý kinh tế xây dựng, tạo ra sự bất cập, thiếu tính đồng bộ của hệ thống các quy định pháp luật về quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát trong đầu tư xây dựng đây là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của hoạt động thanh tra xây dựng.
Thứ hai: Hệ thống pháp luật về lĩnh vực xây dựng
Cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động thanh tra xây dựng là hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực xây dựng. Đó là tổng hợp các quy tắc, quy định do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực xây dựng có tính chất bắt buộc phải thực hiện nhằm thiết lập trật tự cho các hoạt động xây dựng, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng đầu tiên nhằm hướng tới các hành vi của chủ thể có liên quan đến lĩnh vực xây dựng được diễn ra trong một khuôn khổ mà chủ thể quản lý nhà nước mong muốn. Đồng thời đây cũng chính là những căn cứ pháp lý chủ yếu để cơ quan thanh tra xây dựng, người có thẩm quyền đánh giá và xác định được mức độ chấp hành đúng pháp luật cũng như vi phạm các quy định pháp luật của tổ chức, công dân trong hoạt động xây dựng, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp phù hợp để thiết lập trật tự pháp luật xây dựng trên thực tiễn.
Hoạt động thanh tra xây dựng mang tính đa ngành, nhiều lĩnh vực. Do đó đòi hỏi hệ thống pháp luật xây dựng mang tính phân hóa cao theo từng lĩnh vực như: hệ thống pháp luật đất đai; thị trường bất động sản; quy hoạch kiến trúc; kỹ thật xây dựng; vật liệu xây dựng… Điều đó yêu cầu chính các chủ thể tiến hành thanh tra xây dựng phải có tập hợp những kiến thức cơ bản về hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến chuyên ngành xây dựng đồng thời đòi hỏi tính chuyên sâu của từng lĩnh vực trong xây dựng. Đây chính là yếu tố quan trọng quyết định nên chất lượng của cuộc thanh tra bởi việc xác định tính hợp pháp, hợp lý của hoạt động xây dựng dựa trên các quy định pháp luật thực định mà đòi hỏi người tiến hành thanh tra phải biết vận dụng. Bên cạnh đó hoạt động thanh tra xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của những quy định pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra xây dựng, bởi các cơ quan thanh tra xây dựng nếu được luật hóa bằng các quy định hợp pháp, hợp lý khi đó các chủ thể tiến hành thanh tra xây dựng sẽ được tạo điều kiện độc lập về mặt thẩm quyền điều đó có tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến hiệu quả của hoạt động thanh tra xây dựng. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ và thống nhất sẽ giúp cho việc thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng được diễn ra theo một trật tự hợp lý, giúp cho các cơ quan quản lý (trong đó có cơ quan thanh tra xây dựng) có cơ sở xác định rõ mức độ vi phạm và là căn cứ khi xử lý. Xác định rõ ràng và đúng đắn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng, từ đó tạo niềm tin và sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội.
Thứ ba: Tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng
Với tư cách là một chức năng thiết yếu của hoạt động quản lý nhà nước, do vậy xét về cơ cấu tổ chức thì thanh tra xây dựng là một bộ phận của bộ máy quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý có mối quan hệ chi phối tới hoạt động thanh tra. Một mô hình tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng hợp pháp, hợp lý đồng bộ thống nhất, độc lập tạo nên quyền uy, chất lượng hiệu quả của tổ chức thanh tra qua đó bắt buộc đối tượng quản lý phải chấp hành mệnh lệnh quản lý. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra. Việc xây dựng hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng và cơ chế vận hành của tổ chức, của người quản lý, tạo ra sự sắp xếp thứ bậc trên dưới hướng tới sự tuân thủ pháp luật của đối tượng quản lý, đồng thời định hướng, điều hành, phối hợp hoạt động của con người và cộng đồng để đạt mục tiêu đề ra. Một bộ máy thanh tra xây dựng được tổ chức hợp lý, tinh gọn có sự phân công quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, quy định sự phối hợp nhịp nhàng sẽ là điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện tốt hoạt động thanh tra và ngược lại. Nếu tổ chức thanh tra xây dựng được thiết kế không hợp lý, thiếu tính liên kết, không rõ về vai trò vị trí, không thể hiện tính minh bạch về nhiệm vụ quyền hạn, khi đó nó sẽ là rào cản cho sự linh hoạt và tính trách nhiệm trong hoạt động thanh tra.
Thứ tư: Chất lượng nguồn nhân lực
Trong bộ máy thanh tra xây dựng, con người vừa là chủ thể quản lý (được nhà nước trao quyền) nhưng đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp thực thi công vụ. Với tư cách chủ thể quản lý, những thanh tra viên có thể ra các quyết định quản lý nhằm hướng tới các đối tượng quản lý thực hiện, do vậy đòi hỏi họ phải đáp ứng được những yêu cầu của người ra quyết định có tầm nhìn chiến lược, khả năng thu thập và xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp tốt, các thanh tra viên phải nắm vững các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động của mình, nắm vững nghiệp vụ, có chuyên môn sâu, thể hiện được đạo đức công vụ về sự liêm chính, tính công minh, trung thực, khách quan… đòi hỏi ở mức độ cao hơn so với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung bởi tính chất đặc thù của công tác thanh tra là luôn phải đi xem xét những sai phạm trong xây dựng. Nếu chất lượng nguồn nhân lực trong thanh tra xây dựng không được đảm bảo về trình độ, chuyên môn, không đảm bảo về đạo đức công vụ, không được sắp xếp hợp lý về vị trí, phù hợp với trình độ chuyên môn khi đó dẫn đến tác động trực tiếp như không tạo ra được sự phối kết hợp trong hoạt động thanh tra, không đủ trình độ để xác định được mức độ vi phạm… Những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực sẽ là định hướng cho công tác đào tạo và tuyển chọn đội ngũ cán bộ thanh tra xây dựng có đủ năng lực tạo chất lượng hoạt động thanh tra ngày càng tốt hơn.
Thứ năm: Cơ chế phối kết hợp với các cơ quan chức năng khác
Hoạt động thanh tra xây dựng có liên quan đến rất nhiều các cơ quan chuyên môn của UBND và một số các cơ quan chức năng khác. Sự phối kết hợp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan như: Ủy ban nhân dân các cấp với các cơ quan quản lý từng lĩnh vực như: quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý xây dựng, quản lý giao thông công chính, chiếu sáng đô thị, kế hoạch đầu tư , cơ quan công an, và các cơ quan khác sẽ giúp cho các hoạt động quản lý được thông suốt, đảm bảo giải quyết công việc thuận lợi nhanh chóng trên cơ sở các văn bản pháp lý được hoàn thiện xác định rõ trách nhiệm, phạm vi quyền hạn cụ thể và cơ chế phối hợp của từng cơ quan tham gia quản lý cùng với đội ngũ công chức có năng lực và tận tâm trong công việc, hoạt động thanh tra xây dựng sẽ thực hiện thông thoáng, ít rào cản. Ngược lại nếu không có cơ chế phối kết hợp giữa các ban ngành, giữa các cơ quan tư pháp… khi đó các chủ thể tiến hành thanh tra sẽ bị tác động một cách tiêu cực do sự hạn chế trong việc kết nối, thống nhất giữa các cơ quan.
Thứ sáu: Yếu tố xã hội và các yếu tố khác
Nhu cầu xây dựng ở ViệtNamtrong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là rất lớn và có nhiều sự biến đổi. Tính liên tục được diễn ra bởi đó là nhu cầu phổ biến của mọi chủ thể. Hoạt động xây dựng được hình thành chính từ thực tiễn và trên nhu cầu của xã hội, tổ chức, công dân. Do vậy các yếu tố về tổ chức dân cư, truyền thống, thói quen, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện pháp luật về xây dựng của các chủ thể.
Về tổ chức dân cư đã hình thành và tồn tại từ rất lâu đời trên cơ sở sự liên kết rất chặt chẽ của quan hệ huyết thống, họ hàng từ đó hình thành những thói quen chưa mang tính ý thức xã hội cao như xây dựng tự phát, tập kết nguyên vật liệu bừa bãi, thuê mướn nhân công không hợp đồng, đổ phế thải bừa bãi,không ý thức trong việc bảo vệ môi trường… đặc biệt các thói quen chưa tốt đó còn tồn tại rất phổ biến trong công trình xây dựng riêng lẻ ở các khu dân cư. Những thói quen đó làm cản trở việc tuân thủ pháp luật của người dân, làm hạn chế hoạt động của thanh tra viên xây dựng như vậy không chấp hành quy tắc xin phép xây dựng, đăng ký tiêu chuẩn kỹ thuật, dây dưa, chây ỳ…
Về lối sống, yếu tố tâm lý thường bảo thủ, cách tư duy thường mang tính manh mún, cắt xẻ, chắp vá, thiếu tính năng động, thói quen bắt chước… Từ đó tạo ra những hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng như không đảm bảo yếu tố kỹ thuật, kết cấu xây dựng không chính xác, không bảo đảm tính thẩm mỹ... việc gia tăng nhiều hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng trong một công trình làm tăng tính phức tạp của vụ việc và đó chính là tác nhân gây cản trở cho công tác thanh tra xây dựng.
Bên cạnh đó còn tồn tại nhiều lễ nghi, ý niệm tâm linh, thuật phong thủy, tập tục thờ cúng động thổ... cũng có ảnh hưởng tới thói quen xây dựng của người dân và chủ đầu tư từ đó làm hạn chế hoạt động thanh tra xây dựng về tính kịp thời của hoạt động.
Ý thức sự đồng thuận giữa các chủ thể thanh tra và sự tham gia của người dân, của cộng đồng có ảnh hưởng trực tiếp trong công tác kết hợp quản lý để đạt hiệu quả cao. Ngoài ra còn phụ thuộc vào trình độ dân trí, nhận thức về quản lý, tinh thần tham gia công tác, phối hợp trong hoạt động quản lý với các cơ quan nhà nước.Yếu tố này rất quan trọng vì trật tự kỷ cương trong xây dựng có thể được duy trì và thiết lập hay không phụ thuộc chủ yếu vào sự chấp hành và thực hiện pháp luật của cá nhân công dân, tổ chức. Nói cách khác, trật tự kỷ cương xây dựng là do cộng đồng dân cư, do các đối tượng quản lý tạo ra. Do vậy, khi họ biểu hiện tinh thần tham gia, phối hợp cộng tác với các cơ quan quản lý nhà nước; có ý thức phê phán các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật,… thì kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng sẽ được thiết lập và duy trì lâu dài. Như vậy các yếu tố xã hội mang tính tích cực sẽ góp phần thuận lợi cho hoạt động thanh tra xây dựng hiện nay.
Thanh tra xây dựng là hoạt động thanh tra chuyên ngành góp phần đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và chính sách của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng; góp phần giữ gìn trật tự, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Việc tìm hiểu, phân tích các yếu tố tác động đến hoạt động thanh tra xây dựng là việc cần thiết để từ đó có căn cứ lý luận cũng như thực tiễn trong việc hoàn thiện về tổ chức hoạt động thanh tra xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thanh tra xây dựng đáp ứng được những yêu cầu xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của dân, do dân, vì dân; sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và điều kiện tăng cường hợp tác quốc tế; thúc đẩy sự phát triển và ổn định của xã hội./.
Ths.Phạm Thị Anh Đào
Giảng viên Khoa NN&PL- HVHCQG