In trang
Đại diện Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng Đoàn nghiên cứu thực tế lớp K75.A10 chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc

Ban Tổ chức Thành ủy làm việc với Đoàn nghiên cứu thực tế lớp Cao cấp lý luận chính trị lớp K75.A10 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cập nhật lúc : 22:35 03/04/2025

Sáng 24/3, Ban Tổ chức Thành ủy làm việc với Đoàn nghiên cứu thực tế lớp Cao cấp lý luận chính trị K75.A10 hệ tập trung (khóa 2024 - 2025), nội dung tìm hiểu về “Thực trạng việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cung đình Huế”. Chương trình nghiên cứu thực tế của lớp do PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Trưởng đoàn; TS Lê Thị Hiền, Giảng viên chính Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng - Giáo viên chủ nhiệm cùng 42 học viên Lớp Cao cấp lý luận chính trị K75.A10. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Dương Quang Bằng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy; đồng chí Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Trao đổi với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thông tin một số nội dung về “Thực trạng việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cung đình Huế”. Theo đó, đồng chí Nguyễn Phước Hải Trung cho biết: Cố đô Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình, với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Do đó, trong công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần. Quần thể kiến trúc cung đình tại cố đô Huế là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh từ năm 1993. Cho đến nay, sau 32 năm được công nhận, thành phố Huế đã không ngừng nỗ lực để giữ gìn, bảo tồn những giá trị di sản. Tuy nhiên, việc bảo tồn không đồng nghĩa với giữ nguyên hiện trạng mà Huế đã biết tận dụng và phát huy những tiềm năng vốn có để tạo dựng nên thương hiệu xứng tầm trong khu vực và trên thế giới.

Cho đến nay, Huế là địa phương duy nhất trong cả nước đang sở hữu 8 di sản văn hoá được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 6 di sản của riêng Huế. Ngoài 8 di sản văn hoá được UNESCO vinh danh, thành phố cũng đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội đặc sắc. Bằng những nổ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Huế, với sự quan tâm của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Huế phát triển đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện.

Trong không khí cởi mở, với nhiều ý kiến, Đoàn nghiên cứu thực tế và các đại biểu tham dự đã trao đổi về công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cung đình Huế trên đất Cố đô; chia sẻ về di sản văn hóa tinh thần phong phú ở Huế, một vùng văn hóa Phú Xuân đặc sắc với thương hiệu “Huế đẹp và thơ”.

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu thay mặt Đoàn công tác trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành uỷ, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tạo điều kiện, cung cấp các thông tin quan trọng, bố trí thời gian để Đoàn có buổi làm việc, nghiên cứu thực tế tại thành phố Huế; đây là những kinh nghiệm quý giá tạo điều kiện để các học viên nghiên cứu, viết báo cáo hoàn thành khóa học; và đây cũng là nguồn cảm hứng, động viên đối với các thành viên của Đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn sau này.

Hữu Phú