In trang
Du khách thăm Đại Nội

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
Cập nhật lúc : 10:19 12/09/2014

Miền Trung - nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch lớn của cả nước, nổi bật là những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận như: Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn; Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn... Những giá trị văn hoá này đã tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và của riêng từng địa phương.

Ý thức được tầm quan trọng trong công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch, trong những năm qua, du lịch Thừa Thiên Huế đã không ngừng tăng cường sự hợp tác với các địa phương trong khu vực. Nổi bật là: năm 1995, triển khai hợp tác giữa 3 thành phố kết nghĩa Huế - Sài Gòn -  Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch ký kết các hợp đồng kinh tế với các đơn vị lữ hành; năm 2002, triển khai hợp tác với các địa phương nằm trên “Con đường Di sản miền Trung”; năm 2004, triển khai liên kết với Quảng Trị để khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông Tây thông qua đường 9 nối với Lào, Thái Lan và Myanmar; năm 2010, triển khai liên kết với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận); năm 2012, với việc tổ chức Năm Du lịch Quốc Gia, chính thức liên kết với các tỉnh thuộc vùng du lịch Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Phiên họp về hợp tác liên kết phát triển du lịch 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. (Ảnh ESRT)

 

Đặc biệt, năm 2014, lãnh đạo ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch, với các nội dung liên kết: xây dựng, quản lý điểm đến du lịch với phương châm “Ba địa phương - Một điểm đến”; xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng mang đặc thù của mỗi điểm đến, có tính cạnh tranh cao nhằm hấp dẫn du khách; xác định phát triển thương hiệu và sản phẩm du lịch của mỗi địa phương mang tính đặc thù, tránh sự trùng lắp, nhàm chán, đơn điệu; liên kết tổ chức các sự kiện du lịch trong khu vực nhằm tạo chuỗi sự kiện có sự tham gia sâu của các doanh nghiệp du lịch; liên kết tổ chức quảng bá liên vùng, quảng bá sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến của ba địa phương và tổ chức tiếp thị thị trường du lịch trong và ngoài nước; đồng thời, ba địa phương cũng đề ra chương trình hợp tác phát triển nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng lao động trong ngành du lịch theo định hướng chung, nhất là lực lượng hướng dẫn viên du lịch…

 

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã có những nỗ lực trong công tác liên kết, hợp tác để đẩy mạnh phát triển du lịch; tuy nhiên, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đó là: hiệu quả từ việc liên kết phát triển du lịch chưa thực sự rõ nét; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch của vùng nhìn chung còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch còn trùng lặp và đơn điệu; công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao; chưa thống nhất trong việc kết nối các sự kiện, lễ hội để thu hút và khai thác tối đa nguồn khách…

Với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra đón trên ba triệu lượt khách, trong đó có hơn một triệu lượt khách quốc tế trong năm 2015, đồng thời, nghiên cứu phát triển du lịch theo chiều sâu, theo hướng nâng cao thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, thiết nghĩ ngành du lịch, tỉnh thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố trong vùng cần tập trung vào những định hướng liên kết chủ yếu sau:

Phát triển du lịch của vùng phải căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính Phủ phê duyệt.

Liên kết phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch nối các khu, tuyến, điểm du lịch, di tích thắng cảnh các địa phương trong vùng.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đầu tư đồng bộ, có chiều sâu, không phải chỉ là việc kết nối các sự kiện mà phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Lấy lợi thế và bản sắc của địa phương này để vực dậy điểm yếu của địa phương kia, từng bước phát triển đồng bộ, hài hòa.

Phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch cho từng địa phương và toàn vùng: xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch chung của vùng và của từng tỉnh, thành phố; phối hợp xây dựng hình ảnh các điểm du lịch và các chương trình tour, xây dựng tập gấp, bản đồ, đĩa VCD và tờ rơi chung về du lịch; tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị... du lịch chung của vùng. Kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh, thành phố để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch nhằm thu hút và khai thác tối đa các nguồn khách. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin du lịch và trao đổi thông tin du lịch cho toàn vùng.

Cần có sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương. Thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương để có thể kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Để có sự liên kết vùng chặt chẽ và tìm được tiếng nói chung, cần thiết phải có những quy định hoặc chế tài, cơ chế, chính sách liên kết, hợp tác cụ thể để bảo đảm tính khả thi và điều tiết giữa các địa phương trong vùng.

Cần thống nhất về quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch nhằm cải thiện môi trường du lịch và thu hút du khách trong và ngoài nước đến với vùng miền Trung.

Có thể thấy rằng liên kết, hợp tác phát triển du lịch là vấn đề rất quan trọng và cấp bách trong phát triển du lịch hiện nay, bởi mỗi vùng, mỗi khu vực, ngoài những giá trị chung về tài nguyên còn có những lợi thế riêng biệt có thể bổ sung cho nhau. Vì vậy, cần đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác để tạo ra nguồn lực tổng hợp, phát huy lợi thế so sánh, kinh nghiệm của từng địa phương, vùng đất để hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng có lợi thế cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành chính quyền các địa phương đối với công tác xúc tiến du lịch, nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn và cao cấp trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương cũng cần có những chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành để phối hợp với các địa phương xây dựng các tour du lịch liên vùng, kết hợp được các sản phẩm, các tuyến điểm du lịch đặc sắc trong khu vực.

 

Hồng Sơn