In trang

Thu hút du khách từ việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh
Cập nhật lúc : 20:16 07/06/2022

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, văn minh, cùng với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, huyện Phong Điền đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh tại mỗi điểm đến.

Lực hấp dẫn thu hút du khách

Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, là vùng đất có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Làng cổ Phước Tích, suối Hầm Heo, thác A Đon, Hồ Quao, Thanh Tân spa… Và một trong những điểm nhấn của sản phẩm du lịch nơi đây chính là tạo ra từ các giá trị bản sắc văn hóa, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, ẩm thực, lối sống, cảnh quan thiên nhiên... Do đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa luôn được huyện Phong Điền đặc biệt chú trọng.

Nếu ai đã từng đến với Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa) một lần, hẳn không thể nào quên được khung cảnh bình yên, thơ mộng và sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân nơi đây. Điểm du lịch làng cổ Phước Tích có các tài nguyên du lịch như: hệ thống nhà thờ họ tộc; hệ thống các nhà rường truyền thống, hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh… Miếu Đôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng. Đi vào trong làng là những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, cây hoàng lan hơn 100 tuổi, ở đây còn có nghề gốm truyền thống tiếng từ hơn 500 năm nay với kỹ thuật nung bằng rơm đã tạo ra những sản phẩm nổi danh. Bởi thế, nhiều người cho rằng, đây là điểm đến lý tưởng để tránh xa ồn ào, khói bụi của chốn thị thành.

Chị Lê Thị Mỹ Hương, du khách đến từ thành phố Huế cùng gia đình lần đầu đến đây, chia sẻ: “Làng cổ Phước Tích trước mắt chúng tôi là một ngôi làng xinh đẹp, sạch sẽ, với những món ăn ngon cùng sự tiếp đón nhiệt tình của người dân địa phương. Đặc biệt, nơi đây có quần thể nhà rường cổ dày đặc loại ba gian hai trái và một gian hai trái, hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, bàn ghế, tràng kỷ,… được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa, hệ thống đường xá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động. Thật sự chúng tôi đã có một chuyến du lịch tuyệt vời, ý nghĩa. Lần sau có dịp tôi sẽ ghé lại và rủ thêm người thân, bạn bè cùng đi để chiêm ngưỡng và thưởng thức những món ăn dân dã của địa phương này”.

Môi trường văn hóa được xem là tài nguyên, là cơ sở cho việc phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch tại những điểm đến du lịch cộng đồng. Các yếu tố của môi trường văn hóa như cảnh quan, di tích lịch sử, phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, các hoạt động văn hóa trong cộng đồng đều có thể khai thác phục vụ khách du lịch. Môi trường văn hóa lành mạnh, hấp dẫn tại cộng đồng chính là lực hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, cho biết: “Hiện nay, Du lịch Phước Tích có 9 loại hình dịch vụ du lịch với hơn 40 người tham gia hoạt động gồm: dịch vụ tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, hướng dẫn viên, quảng diễn nghề gốm, làm bánh,… Hệ thống nhà rường cổ có 11 hộ tham gia tiếp đón khách tham quan; 4 hộ kinh doanh lưu trú; 4 điểm phục vụ dịch vụ ẩm thực. Các dịch vụ hầu hết được phục vụ chu đáo, nhiệt tình, mến khách góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách. Chính vì lẽ đó, hình ảnh du lịch Phước Tích đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Phước Tích trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch đến tham quan và khám phá làng cổ”.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa

Cùng với Làng cổ Phước Tích, tất cả các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Phong Điền có một điểm chung, đó là chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Trong đó, bám sát các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, đặc biệt là ở các điểm du lịch cộng đồng, huyện Phong Điền đã đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào, từ đó đã tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh trong các tầng lớp Nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân có chuyển biến tích cực; trật tự an ninh được giữ vững; cảnh quan môi trường được cải thiện sạch sẽ, đẹp mắt.

Trong quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan sạch đẹp luôn được coi trọng. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Phong Điền đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, để xây dựng môi trường văn hóa ở mỗi điểm đến gắn với phát triển du lịch, huyện Phong Điền đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để quản lý xây dựng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan điểm đến.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, huyện Phong Điền còn chú trọng lồng ghép vào các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới… tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Bản sắc và các giá trị, di sản văn hóa là một trong những yếu tố chính tạo nên môi trường văn hóa của cộng đồng, tạo ra sự khác biệt về môi trường văn hóa tại điểm đến, là yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch”.

Cùng với môi trường sinh thái và môi trường xã hội, hiện nay môi trường văn hóa giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Nếu môi trường sinh thái có vai trò thiết yếu đảm bảo sự tồn tại sinh học của con người, thì môi trường văn hóa là nơi diễn ra quá trình “nhập thân văn hoá” của mỗi cá nhân, có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, đạo đức, lối sống của họ.

Nhằm phát huy kết quả đạt được, huyện Phong Điền đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nên thương hiệu cho du lịch Phong Điền.

“Để việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng được triển khai một cách hiệu quả và bền vững hơn, huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến. Tăng cường quản lý quy hoạch điểm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng về xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển đa dạng các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa tại các điểm đến trong tình hình mới”, ông Thái khẳng định.

                                                                                      Tiến Dũng