Sức sống mới ở làng Sình
Cập nhật lúc : 08:32 03/01/2015
Mặc dù có tên chữ Lại Ân nhưng từ nhiều đời nay người dân xứ Huế vẫn quen gọi địa danh thân thuộc nằm ở ngã ba, phía hạ lưu của hữu ngạn sông Hương ấy là làng Sình, một trong những ngôi làng nổi tiếng của xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Nhắc đến làng Sình là nhớ đến dòng tranh mộc bản và hội vật nổi tiếng lâu đời: "Dù ai đi đó đi đây/ Đến ngày Hội vật nhớ quay về Sình”.
Từ một xã thuần nông, Phú Mậu đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ có lúa và rau mà từ nhiều năm nay đã hình thành các vùng trồng hoa tươi, nổi tiếng bậc nhất vẫn là hoa Tiên Nộn. Chủ tịch UBND xã Phú Mậu Trần Hiếu Cơ phấn khởi cho biết, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, trừ ly bị xoắn lá còn các loại hoa khác được mùa nên bà con rất vui. Hơn 500 hộ trồng hoa, hộ nào cũng có lãi, riêng hộ ông Lê Văn Lự lãi hơn 100 triệu, còn hộ ông Nguyễn Mẫn lãi xấp xỉ 100 triệu đồng. Ngoài các loại hoa truyền thống, đơn giản và dễ trồng, mấy năm gần đây nhờ mạnh dạn đầu tư cho hoa chất lượng cao như ly và phong lan nên người trồng hoa ở Phú Mậu đã sống được với nghề, nhờ vậy mà diện tích trồng đã tăng nhanh, ví như năm vừa qua từ 13ha nay bà con đã mở rộng nâng lên thành 15ha.
Trước giải phóng, làng Sình chỉ là nơi làm tranh thờ cúng. Mục đích là để cầu cho người yên vật thịnh.Vì là tranh dùng cho cúng tế nên lâu nhất là lưu giữ trong vòng một năm, còn phần lớn sau khi cúng đều đem đốt. Phổ biến là tượng Bà, thường được các nữ gia chủ mua về thờ, treo ở một góc, người Huế gọi trang bổn mạng và tranh thờ ở Trang Bếp. Tranh đồ vật thường in hình các loại khí dụng xưa hoặc in hoa văn trang trí lên các loại tế phẩm áo binh, áo ông, áo bà. Tranh súc vật in hình 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi và các loại trâu, heo, bò...gắn bó với cuộc mưu sinh của mỗi gia đình.
Cùng với nghề vàng mã, sau giải phóng có thời kỳ tranh thờ cúng làng Sình " suy vi” vì bị gán là văn hóa phẩm của mê tín dị đoan. Sau này, khi vấn đề tâm linh được tôn trọng, các làng nghề truyền thống được tạo điều kiện để khôi phục. Đất nước hội nhập, bên cạnh các bộ tranh thờ cúng, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã làm những bản khắc mới, chủ yếu là dòng tranh trang trí. Nghệ nhân Phước cho biết: Năm 2008, ông làm bộ tranh Bát âm, năm 2010 cho ra đời các bộ tranh về trò chơi dân gian và năm ngoái là bộ tranh là thời vụ của nông gia. Cùng với dòng tranh trang trí, từ năm 2011 đến nay ông đã làm tranh lịch treo tường. "Riêng dịp Tết này gia đình tôi đã bán hơn 1.000 bộ tranh trang trí và trên 100 bộ lịch”, nghệ nhân Phước cho biết.
Cùng với tranh làng Sình, từ lâu Phú Mậu đã có làng hoa giấy Thanh Tiên. Mỗi năm đến cuối tháng Chạp, hoa giấy Thanh Tiên thường có mặt ở các chợ quê, vì vào dịp Tết hầu như nhà nào cũng có nhu cầu sắm mấy nhành bông giấy để về tôn trí ở Trang Ông, Trang Bà, ông Táo hoặc các Am miếu.
Mãi đến năm 2008, trong dịp FESTIVAL Huế lần thứ V, người Huế và du khách ngở ngàng khi hoa sen giấy xuất hiện. Người góp phần tạo nên sản phẩm mới ấy là họa sĩ Thân Văn Huy. Theo họa sĩ Huy, nghề làm hoa sen giấy đã có từ lâu nhưng không rỏ vì sao mà đã thất truyền. Trăn trở với nghiệp làng, ông cùng với người em của mình là họa sĩ Thân Đình Hoài đã gặp các vị bô lão, qua trao đổi, học hỏi, bằng kiến thức của mình họ đã cùng bà con dựng lại nghề xưa nhưng sản phẩm có cách tân cho phù hợp với nhu cầu trang trí. Và hoa sen giấy đã có đời sống riêng. Nhiều biệt phủ, nhà hàng, khách sạn, chùa chiền đã tôn trí sản phẩm này. Nhờ vậy mà người làm bông giấy đã có việc làm quanh năm, không như trước đây chỉ tập tập trung vào tháng Chạp. Họa sĩ Thân Văn Huy cho biết, trong dịp Tết Ất Mùi 2015, hoa giấy của gia đình ông dù đã có 15 hộ nhận gia công nhưng vẫn không đủ bán.
ĐĐK
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/